Thâu tóm cổ phiếu ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết NH Nhà nước sẽ tăng cường xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi mua cổ phiếu NH thông qua các hồ sơ chứng minh năng lực tài chính và quan hệ vay vốn tại các NH. “Nhà đầu tư mua cổ phiếu NH bằng tiền của người khác (tiền ảo) là không ổn” - Thống đốc Bình khẳng định.
Thuê người khác đứng tên
Báo cáo tình hình quản trị năm 2013 của một số NH cho thấy có khá nhiều thành viên HĐQT không nắm giữ cổ phiếu, thậm chí cả chủ tịch hoặc phó chủ tịch HĐQT và người liên quan nắm giữ tỉ lệ cổ phần rất ít. Đơn cử, tại NH Sài Gòn – Hà Nội (SHB), gia đình ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB và các tổ chức liên quan sở hữu khoảng 15% cổ phiếu. Còn tại NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank), ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank và người nhà nắm giữ 6,7% cổ phiếu. Tại NH Phương Nam (Southernbank), gia đình ông Trầm Bê cũng sở hữu trên 20% cổ phiếu, đồng thời một thành viên HĐQT sở hữu 5,2% cổ phiếu.
Một số người trong cuộc cho biết do pháp luật quy định cá nhân nắm giữ cổ phiếu tại một NH không quá 5%, cá nhân và người liên quan không quá 20%, tổ chức sở hữu không quá 11%… nên các ông chủ NH lách luật bằng cách nhờ người khác đứng tên mua cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận.
Thực tế cho thấy phiên giao dịch chứng khoán ngày 9 và 10-5-2013, thị trường chứng kiến nhiều giao dịch thỏa thuận thành công 72,35 triệu cổ phiếu của một NH, giá trị 1.559 tỉ đồng, trong đó có một cá nhân mua đến 25 triệu cổ phiếu. Tương tự, trong 3 phiên giao dịch (từ ngày 8 đến 10-5-2013) gần 43 triệu cổ phiếu một NH có mức vốn trên 10.000 tỉ đồng cũng được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận. Trước khi các giao dịch thỏa thuận này diễn ra, ban điều hành của một NH ở TP HCM tiết lộ họ bị ông chủ NH thúc ép cho vay chứng khoán cả nghìn tì đồng, khiến NH Nhà nước phải tiến hành thanh tra đối với NH này.
Điều này cho thấy tuy tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu của cá nhân, tổ chức được các NH công bố là không nhiều nhưng dư luận vẫn biết ai là chủ thực sự của một NH cổ phần!.
Chi phối hoạt động
Sau khi nắm giữ trên 50% cổ phiếu, các ông chủ NH thành lập nhiều nhóm cổ đông, mỗi nhóm có một cá nhân làm đại diện 10% cổ phiếu để lọt vào thành viên HĐQT nắm quyền chi phối hoạt động của NH. Điều này phần nào lí giải vì sao giới đầu tư thường bàn tán thông tin nguyên một phó chủ tịch HĐQT NH Đệ Nhất (đã sáp nhập với NH Sài Gòn ) được bà chủ chi trả 1 tỉ đồng tiền thuê đứng tên cổ phiếu...
Theo các chuyên gia kinh tế, điểm khác biệt giữa NH với các DN khác là ngoài vốn góp của cổ đông, NH huy động vốn (vay vốn từ dân cư) bằng uy tín của mình là chủ yếu. Nếu các ông chủ chi phối hoạt động và làm thiệt hại NH đồng nghĩa với thiệt hại tài sản của khách hàng. Vì thế, việc quản lý NH không để các ông chủ NH toàn quyền quyết định.
Để hạn chế tình trạng đứng tên hộ cổ phiếu, chi phối hoạt động từ các ông chủ, NH Nhà nước cần giới hạn tỉ lệ cho vay liên quan đến chứng khoán, bao gồm: vay tiền mua cổ phiếu, vay tiền NH thế chấp bằng cổ phiếu, bảo lãnh cho người khác vay tiền bằng cổ phiếu... Mặt khác, nhà nước nên quy định thành viên HĐQT độc lập là người của NH Nhà nước hoặc do Công đoàn cơ sở giới thiệu nhằm hạn chế tình trạng nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phiếu được ông chủ NH thuê đứng tên giới thiệu người nhà vào thành viên HĐQT, tạo ưu thế áp đảo trong hoạt động của HĐQT.
Khó điều tra tiền ảo
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng thanh tra của NH Nhà nước, cơ quan cảnh sát điều tra không dễ điều tra ra trong hàng chục % cổ phiếu của ông chủ NH thì ai đứng tên hộ. Do đó giải pháp trước mắt là các ông chủ NH có thể tự nguyện công bố đã nhờ ai đứng tên hộ và cho họ một lộ trình thoái vốn dần; nếu cố tình che giấu sẽ xử lý nghiêm.
Nguồn Người Lao động