Để không bị loại khỏi cuộc chơi của ngành logistics cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp logistics Việt Nam buộc phải thay đổi theo hướng xanh hóa.

 
Nguyễn Mai Thứ Bảy | 24/08/2024 08:00

Thành bại tại logistics xanh

Với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy mục tiêu giảm carbon.

Western Pacific Group (WPG) đang theo đuổi mô hình LIC (Logistics Industrial Cluster), một dạng hệ sinh thái phức hợp, đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng logistics và khu/cụm công nghiệp. “Khi sử dụng dịch vụ trong hệ sinh thái, doanh nghiệp sẽ giảm được 20% tổng chi phí so với sử dụng các dịch vụ logistics đơn lẻ bên ngoài, bởi việc nhà máy sản xuất nằm gần cảng đã cắt giảm được rất nhiều chi phí về vận tải”, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Western Pacific Group, cho biết. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đầu tư, ứng dụng hệ thống năng lượng tái tạo với công suất 1 MW/ha, qua đó giảm phát thải khí carbon.

Các công ty như WPG linh hoạt vận hành theo xu hướng logistics xanh và có được những lợi thế nhất định. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải thích ứng với bối cảnh thế giới đưa ra cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và logistics xanh được coi là một trong những xu hướng và yêu cầu tất yếu.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực kiểm kê phát thải khí nhà kính để tuân thủ các quy định về phát thải. “Chúng tôi đang hoạt động trong một lĩnh vực hết sức nhạy cảm về môi trường. Chúng tôi phải hướng tới chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh. Thời gian tới, chuyển đổi xanh trong ngành logistics cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam”, ông Hoài nói.

Ông Julien Brun, Giám đốc Điều hành Công ty CEL, cho rằng các doanh nghiệp logistics của Việt Nam phải thực hiện quy trình xanh và sạch hơn mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, dấu chân carbon cần được tập trung cải thiện, nhất là ở những lĩnh vực như giao thông, vận chuyển.

Theo đó, các hoạt động thương mại trong giai đoạn tới và tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải tuân thủ các yêu cầu xanh hóa. Về kế hoạch hành động xanh đến năm 2030, Việt Nam cũng sẽ đặt ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan nhằm giảm phát thải từ hoạt động giao thông vận tải, phát triển logistics xanh.

Có rất nhiều yêu cầu đặt ra nhưng logistics xanh gặp không ít rào cản tại Việt Nam. Bởi vì, phần lớn trong số 34.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn, nhân lực và kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Vì thế, dù nhận rõ tầm quan trọng của logistics xanh nhưng do năng lực hạn chế nên nhiều doanh nghiệp buông xuôi trong con đường xanh hóa.

Dù vậy, một số khác lại đang nỗ lực phát triển bền vững theo nhiều cách. Chẳng hạn, Tân Cảng Sài Gòn, có thị phần container xuất nhập khẩu trên 90% ở khu vực phía Nam và gần 50% cả nước, đã thay thế thiết bị nâng hạ container sử dụng dầu diesel bằng thiết bị chạy điện. Gemadept triển khai các hoạt động cụ thể liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính như thành lập Ban ESG, phối hợp với đơn vị tư vấn chuyên nghiệp triển khai đào tạo, kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064-1...

Tại Việt Nam, mới đây, hãng tàu Maersk xin nhập khẩu 12 xe tải điện hạng nặng, hạng nhẹ, có thể mở rộng tới hơn 100 phương tiện vào năm 2030 cùng hệ thống trạm sạc đồng bộ được lắp đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM để tập trung vào nhóm vận tải chặng đầu và chặng giữa cho các khách hàng chủ chốt của Maersk. Mục tiêu của Maersk là tiếp cận các chân hàng lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vốn đang rất coi trọng việc giảm phát thải.

“Với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp”, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nhận xét. Thậm chí, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, cảng biển... đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

Để không bị loại khỏi cuộc chơi của ngành logistics cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp logistics Việt Nam buộc phải thay đổi theo hướng xanh hóa. Đặc biệt, logistics xanh sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình nâng cao năng lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh.

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, cho rằng cần tập trung quản lý chuỗi cung ứng xanh và gắn liền với quản trị các mắt xích vận tải xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh, giảm tối đa thời gian vận chuyển và giao nhận... Khi tăng cường tái sử dụng sản phẩm, bao bì, vật liệu... tạo ra các mắt xích đều xanh, doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững