Tăng thu nội địa để bù số thu thuế xuất nhập khẩu giảm?
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), VN đang trội hơn các nước trong khu vực xét về hiệu suất thu thuế, nhưng điều này có thể thay đổi khi VN thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.
Nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC đã đưa ra nhận định trên trong báo cáo triển vọng kinh tế VN tháng 6-2016 vừa phát hành, đồng thời khuyến cáo VN cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, dù không thể thực hiện một sớm một chiều.
Một trong khoản thuế giảm rõ nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, từ 25% xuống còn 22% vào tháng 1-2014 và về mức 20% vào đầu năm 2016, chưa kể một số vùng kinh tế đặc biệt hay một số lĩnh vực ưu tiên nên được miễn, giảm thuế.
Trong khi đó, hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu cũng đang chịu nhiều áp lực do VN tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tiến tới xóa bỏ thuế hàng hóa.
Theo cam kết đến năm 2018, VN sẽ phải cắt giảm các mức thuế suất xuống 0% cho đối tác thương mại khu vực ASEAN ở hầu hết dòng thuế.
Cũng từ năm 2018, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng bắt buộc các nước thành viên phải dỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan và tiến tới xóa dần thuế trong vòng mười năm tới, nếu TPP được tất cả thành viên thông qua.
Trong bối cảnh hội nhập, tỉ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị giảm đi so với tổng thu ngân sách, theo nhận định tại báo cáo, tỉ trọng nguồn thu từ nội địa phải tăng lên để bù đắp. Thực tế cho thấy dù các hiệp định trên vẫn chưa có hiệu lực, số thu thuế xuất nhập khẩu đã sụt giảm rõ rệt.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm tháng đầu năm, ước thu ngân sách nhà nước của toàn ngành đạt 102.000 tỉ đồng, bằng 37,78% dự toán và giảm 1,89% so với cùng kỳ.
Ngoài lý do kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng chính có số thu lớn có xu hướng giảm mạnh, yếu tố khác khiến nguồn thu giảm là giá dầu thô giảm, cắt giảm thuế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do...
Nguồn Tuổi trẻ