Tăng giá xăng 3 lần khiến CPI tháng 9 tăng 0,34%
Trong đó, giá thuốc và dịch vụ khám chữa bệnh tăng tới 17,02%, tác động tới CPI khoảng 0,95%; giáo dục đào tạo tăng 10,84%, tác động tới CPI 0,65%; giá xăng dầu tăng 3 lần làm chỉ số nhóm giao thông tăng 3,33%, tác động tới CPI khoảng 0,34%; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2,18%, tác động tới CPI khoảng 2,1%.
Bộ trưởng cho biết, tính chung 4 nhóm trên khiến CPI tăng khoảng 2,1%, bằng 95% tổng mức tăng giá trong tháng 9.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng trong công tác điều hành giá thời gian qua có thể rút ra hai bài học.
Thứ nhất, nếu làm tốt hơn công tác dự báo, dự đoán thì việc điều hành giá cả sẽ giúp giảm tổng mức tăng CPI cũng như mức tăng ở từng tháng đều đặn hơn.
Thứ hai, sự phối hợp điều hành giữa các bộ, ngành, cũng như giữa Trung ương với địa phương chưa nhịp nhàng. Bộ trưởng cho rằng, nếu có các lộ trình từ đầu, tránh tăng giá vào tháng 9 là tháng khai trường mà tăng vào tháng 7,8 trước đó thì có thể sẽ tránh được sự tăng đột biến trong CPI tháng 9.
Trả lời thắc mắc về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu dù đây là một mặt hàng thiết yếu, Bộ trưởng cho biết, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu đã được áp dụng phổ biến trên thế giới do đây là loại mặt hàng không tái tạo được, phải hết sức tiết kiệm trong sử dụng.
Bộ trưởng nói, ở Việt Nam, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng bắt đầu từ năm 1996. Hiện, ở Việt Nam mới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng và vẫn còn ở mức thấp so với một số nước, vùng lãnh thổ khác.
Ví dụ: Hongkong (Trung Quốc) thu 0,78 USD/lít, Ấn Độ thu 0,61 USD/lít, Australia thu 0,4-0,5 USD/lít, còn Việt Nam hiện thu ở mức 1% giá bán, khoảng 0,1 USD/lít, tương đương với Thái Lan, Trung Quốc, Philippines.
Nguồn Khampha