Thứ Bảy | 29/09/2012 08:19

Tăng giá than 40% khiến EVN chịu thêm 600 tỷ đồng chi phí đầu vào

Việc tăng giá than kỷ lục lần này sẽ đẩy giá bán điện trong năm 2012 chịu ảnh hưởng khoảng 1,1%.
Giá than bán cho điện đã chính thức được tăng từ 15/9, mức tăng rất mạnh từ 28% - 40% so với giá cũ nhưng vẫn chỉ bằng 70% giá thành. Nếu Chính phủ chấp thuận kiến nghị của Bộ Công Thương, 3 tháng tới, giá than còn dư địa 30% giá thành nữa để điều chỉnh.

Thêm vào đó, giá dầu được lấy làm căn cứ điều chỉnh giá điện 1/7 cũng đã mau chóng lỗi thời theo nhịp giá thế giới. So với hiện tại, giá dầu diezen đã tăng 953 đồng/lít, tăng 4,5%, dầu madut tăng 554 đồng/kg, tương ứng chênh lệch 2,9%.

Câu hỏi đặt ra là, liệu với đầu vào tăng mạnh này, EVN có tiếp tục xin tăng giá điện trong năm nay không?

Sau vụ tăng giá điện 1/7, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã khẳng định, việc đến cuối năm có điều chỉnh tăng giá điện lần thứ hai hay không thì cũng phải căn cứ vào các thông số đầu vào và điều kiện kinh tế xã hội. Gần đây nhất hôm 4/9, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương, ông Cường cũng lặp lại thông điệp này và còn nhấn mạnh, đầu vào của giá điện sẽ được tính toán lại từ 1/10.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tỷ trọng giá than trong giá thành nhiệt điện vào khoảng 20%. Cú hích tăng giá than trên sẽ khiến EVN phải chịu thêm 600 tỷ đồng đầu vào.

Ước tính, trong 3,5 tháng còn lại của năm (tính từ 15/9), sản lượng điện thương phẩm khoảng hơn 39 tỷ kWh và doanh thu tính theo giá điện bình quân đạt trên 54.000 tỷ đồng, chưa kể VAT. Việc tăng giá than kỷ lục lần này sẽ đẩy giá bán điện trong năm 2012 chịu ảnh hưởng khoảng 1,1%.

Tình hình này sẽ khiến tập đoàn EVN đã lỗ còn lỗ hơn.

Nguy cơ tăng giá điện lại không chỉ dựa vào việc biến động thông số đó. Thực tế cú tăng giá điện hồi tháng 7 vừa qua cho thấy, nguyên nhân lớn nhất để tăng giá điện chính là bài toán tài chính của EVN. Đó là các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, Tập đoàn còn khoản treo chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ và lỗ kinh doanh điện 11.000 tỷ đồng. Đó là một gánh nặng, không xử lý thì sau này sẽ rất khó. Dự kiến 4 năm từ 2012-2015, trung bình các khoản lỗ tỷ giá sẽ được phân bổ vào giá điện là 6.600 tỷ đồng.

Đợt tăng giá điện 5% vừa qua, tổng doanh thu chỉ dự kiến thêm 3.700 tỷ đồng. Trừ đi khoảng 300 tỷ đồng phần tăng thêm bù cho giá than, EVN chỉ được thêm 3.300 tỷ đồng, mới bằng một nửa so với mức trung bình được phân bổ và còn quá ít ỏi so với tổng lỗ bị treo lên tới 37.000 tỷ đồng.

Từ nay tới cuối năm, EVN sẽ còn tới 3.300 tỷ đồng để có thể đưa vào giá. Đầu vào này có thể tương ứng kịch bản tăng tiếp giá điện trong phạm vi 5%.

Cùng với giá điện, giá xăng cũng chực chờ tăng. Một đại diện doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam đã tiết lộ, đến đầu tháng 10, khả năng các đơn vị phải tiếp tục xin tăng giá lần nữa là có thể xảy ra.

Cùng đó, giá gas và hàng loạt các dịch vụ, hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo đà tăng giá xăng dầu, giá điện, nhất là rơi mùa vụ mua sắm dịp cuối năm, giáp Tết.

Nguồn Vietnamnet


Sự kiện