Tăng giá cước 3G chủ yếu nhằm vào người giàu
Theo tường thuật của VOV, trong phần trả lời chất vấn về tăng giá cước 3G, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết các dịch vụ 3G khi mới ra đời bao giờ cũng theo qui luật chung là: mới đầu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Thời kỳ đầu tiên các nhà mạng phải giảm giá để thu hút thuê bao, sau đó tăng giá dần lên. Thế nhưng chúng ta giảm giá quá lâu.
Việc tăng cước 3G là vào ngày 16/10. Theo trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son với đại biểu Quốc hội, đến tháng 9 vừa qua, các nhà mạng có trên 90 triệu thuê bao, trong đó chỉ có 19 triệu thuê bao dùng 3G. Trong cước 3G chỉ nâng gói 3G data (truyền số liệu, Internet).
Trong hơn một tháng tăng cước, Viettel báo cáo phần data tăng doanh thu 20%, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho rằng, người tiêu dùng cũng cần chia sẻ với các nhà mạng vì tất cả hạ tầng viễn thông, thiết bị nhập ở nước ngoài tới 80%. Chúng ta dùng dịch vụ Internet thì nhà mạng phải thanh toán quốc tế. Nhà mạng không thể thanh toán giá cao bán giá thấp, vì thế phải chia sẻ nhà mạng để từng bước theo giá thị trường.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, việc tăng giá cước là đánh vào người thu nhập cao, dùng smart phone.
Thực tế, hiện nay sử dụng smartphone tại Việt Nam đang đạt giai đoạn bùng nổ với sự xuất hiện của rất nhiều smartphone giá rẻ. Với chỉ tầm 2-3 triệu đồng là có thể sở hữu được một chiếc smartphone. Trong thông cáo kết quả khảo sát hằng quý về thị trường điện thoại Việt Nam (quý II/2013), ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường thuộc Nhóm Nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC Việt Nam cho hay, các thương hiệu smartphone giá rẻ đã làm dấy lên nhu cầu đối với smartphone ở cả thành thị và nông thôn của Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc giá dưới 100 USD (dưới 2,2 triệu đồng).
Ông Tâm cho biết thêm, sự cạnh tranh từ các công ty có thương hiệu quốc tế như Nokia và Samsung khi những hãng này đang thể hiện sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường smartphone cấp thấp ngày càng tạo thêm cho người dùng cơ hội sở hữu các dòng smartphone giá rẻ.
Như vậy, hiện nay người có thu nhập thấp cũng có thể sở hữu smartphone và rõ ràng việc tăng cước 3G không chỉ đánh vào người có thu nhập cao như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã phát biểu.
Việc tăng cước 3G tuy không có lợi cho người tiêu dùng nhưng có lợi cho nhà nước. Bộ trưởng nói do tất cả các nhà mạng này đều là của Nhà nước nên tăng giá cước cũng là đóng góp cho đất nước. Các doanh nghiệp viễn thông hiện cũng là nhóm doanh nghiệp đóng góp nhiều cho đất nước. Năm 2012, VNPT đóng góp 7.300 tỷ đồng, Viettel là 11.300 tỷ đồng…
Hải Ninh
Theo VNReviews
Nguồn VNReview