Thứ Sáu | 19/07/2013 07:20

Sức mua hàng tiêu dùng nhanh đang giảm

Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) gồm thực phẩm đóng gói, mỹ phẩm, nước giải khát…
Theo khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar Worldpanel, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG gồm thực phẩm đóng gói, mỹ phẩm, nước giải khát…) trong 3 tháng gần đây (tính đến cuối tháng 5/2013) tăng trưởng khá chậm, đạt mức 7% ở thành thị và 9% ở nông thôn, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm 2012 với 17% ở cả thành thị và nông thôn.

Cụ thể, đại diện Kantar Worldpanel cho biết ở thời điểm quý I/2013, chỉ có 28% người tiêu dùng thành thị nhận định tình hình kinh tế sẽ tốt đẹp hơn trong 6 tháng tới. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nhận thấy siêu thị ngày càng kém hấp dẫn (phản ánh qua mức tăng trưởng ở kênh bán hàng này gần bằng 0).

Trong khi đó, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là kênh mua sắm tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng ấn tượng +91% nhờ thu hút được nhiều khách hàng mới là hộ gia đình với tần suất mua sắm thường xuyên hơn.

Trao đổi về việc này, một số doanh nghiệp ngành tiêu dùng nhanh thừa nhận trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh số giảm 10%-15% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân do người tiêu dùng ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung bình và thấp đều chi tiêu tiết kiệm.

Tại các siêu thị bán lẻ, mức tăng trưởng 6 tháng qua giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2012.

Vì sao lại có sự thay đổi này? Kantar Worldpanel nhận định bởi trong tình hình kinh tế không thuận lợi, giá cả dần trở thành rào cản khiến siêu thị trở nên kém hấp dẫn hơn. Xu hướng chuyển từ mua sắm ở tiệm tạp hóa sang siêu thị dù tiếp diễn nhưng đang yếu dần.

Khảo sát riêng về “Lối sống người tiêu dùng” do Kantar Worldpanel thực hiện cho thấy 55% người tiêu dùng thành thị có cùng quan điểm “giá cả ở siêu thị luôn đắt hơn ở tiệm tạp hóa”, con số này năm trước là 50%.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện