Idico
Sức hút của IDICO và cuộc đua tam mã
Những ngày đầu tháng 10, nhà đầu tư càng háo hức khi kề cận buổi đấu giá phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 5.10 sắp tới của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), một trong những “con cưng” của Bộ Xây dựng và được coi là “ông trùm khu công nghiệp”. Trong lúc đó, còn một cuộc đua ít ồn ào nhưng căng thẳng hơn đang diễn ra sau hậu trường IPO là cuộc đua trở thành đối tác chiến lược của IDICO.
Thế kiềng ba chân
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn SSG là 3 cái tên được đại diện IDICO xác nhận đã nộp đủ hồ sơ và đặt cọc. Ba nhà đầu tư này đều có động lực khi tham gia cuộc đua trở thành đối tác chiến lược của IDICO.
Hoạt động kinh doanh chính của IDICO gồm 3 mảng lớn: (1) đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và hạ tầng giao thông; (2) sản xuất và kinh doanh điện năng; (3) đầu tư, kinh doanh phát triển nhà và đô thị, thi công xây lắp. Đây cũng là tiêu chí mà IDICO sử dụng để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, theo đó yêu cầu nhà đầu tư có kinh nghiệm trong ít nhất 1 trong 3 lĩnh vực kể trên.
KBC được chú ý là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh khu công nghiệp. KBC có lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị. Với bề dày 14 năm trong lĩnh vực này, quỹ đất KBC đang quản lý là 5.154ha cho phát triển khu công nghiệp, chiếm gần 6% tổng số diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Theo bản cáo bạch của IDICO, Tổng Công ty hiện đang nắm trong tay 3.271ha đất khu công nghiệp, đã loại trừ 3 dự án ngừng triển khai hoặc bị thu hồi. Tỉ lệ lấp đầy của các dự án IDICO khá thấp so với KBC. Như vậy, việc KBC tham gia đầu tư sẽ đem lại lợi ích cho cả 2 bên, KBC gia tăng diện tích đất khu công nghiệp trong khi IDICO có thể nâng cao tỉ lệ lấp đầy nhờ vào kinh nghiệm điều hành của KBC.
Đối với mảng kinh doanh năng lượng, Bitexco có lợi thế hơn cả với danh mục thủy điện khá nặng ký. Theo thông tin trên website của Bitexco, tập đoàn này đầu tư vào 10 công ty thủy điện đang vận hành và sở hữu 18 nhà máy thủy điện trên cả nước với tổng công suất đạt gần 1.000MW. Năm 2016, Bitexco từng giao dịch với IDICO trong việc mua lại nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 trị giá hơn 5.800 tỉ đồng. Với chiến lược đầu tư này, Bitexco có thể nhắm tới 2 nhà máy thủy điện đang được IDICO vận hành với tổng công suất trên 100MW.
Riêng lĩnh vực kinh doanh phát triển nhà và đô thị là thế mạnh của cả 3 công ty. Trong khi SSG là nhà đầu tư tên tuổi trong phân khúc bất động sản cao cấp với định hướng đầu tư các dự án quy hoạch cụm dân cư, đô thị mới như Saigon Pearl, Pearl Plaza; Bitexco cũng là một nhà đầu tư có tiếng trong lĩnh vực bất động sản với hàng loạt các dự án tên tuổi như Bitexco Financial Tower, The Manor, JW Marriot Hotel; còn KBC đã thành công trong việc phát triển hàng loạt khu đô thị, dân cư với quỹ đất lên đến 1.063ha. Riêng Bitexco còn có kinh nghiệm trong đầu tư hạ tầng giao thông với 4 dự án đường giao thông đã hoàn thiện.
Trong số 3 nhà đầu tư này, tổ hợp KBC và Bitexco có vẻ tối ưu để tiếp quản danh mục đầu tư hiện tại của IDICO và phát huy thế mạnh của 3 mũi nhọn về khu công nghiệp, năng lượng và bất động sản nhà ở, theo nhận định của một chuyên viên phân tích ngành bất động sản.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng cả 3 nhà đầu tư sẽ chia đều 45% cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược, mỗi bên nắm giữ 15% nếu IDICO quyết định chấm thầu dựa vào tiêu chí mỗi nhà đầu tư phù hợp với 1 trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính của IDICO. KBC phù hợp với mảng khu công nghiệp, Bitexco mảng năng lượng và SSG mảng bất động sản. Bất kể là có bao nhiêu nhà đầu tư được lựa chọn, với số cổ phần tối thiểu được mua là 15% trong lần này, mỗi bên đều có cơ hội trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát tại IDICO. Dự kiến đến trước ngày 31.12.2018, Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ 36% còn lại. Với ưu thế là cổ đông hiện hữu, các nhà đầu tư chiến lược này có thể đàm phán mua lại toàn bộ 36% số cổ phần này, nâng tỉ lệ sở hữu lên trên 51%.
Giá nào cho IDICO?
IDICO là công ty nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Sau 17 năm xây dựng và phát triển từ một Tổng Công ty tại thời điểm thành lập năm 2000 với vốn chủ sở hữu chỉ 67 tỉ đồng, đến ngày 30.6.2017, IDICO đã đạt mức vốn chủ sở hữu 2.850 tỉ đồng, tăng 43,18 lần; tổng tài sản là 12.756 tỉ đồng, tăng 17,8 lần; doanh thu đạt 2.926 tỉ đồng, tăng 6,8 lần; lợi nhuận trước thuế đạt 387 tỉ đồng, tăng 387 lần.
Bốn hoạt động chính của tổng công ty này bao gồm đầu tư khu công nghiệp và hạ tầng giao thông, sản xuất và kinh doanh điện năng, phát triển nhà ở và thi công xây lắp. IDICO đã và đang đầu tư hơn 10 dự án khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 6.000ha, tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỉ đồng; 4 dự án thủy điện với tổng công suất 332MW, tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng; 5 dự án giao thông theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư trên 12.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2017-2019, IDICO tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực: điện năng, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị, giao thông với tổng giá trị gần 7.000 tỉ đồng. Mục tiêu phát triển của IDICO sau IPO giai đoạn 2018-2019 là đạt tổng giá trị doanh thu 15.570 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 669 tỉ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài các dự án đã và đang triển khai, IDICO sẽ chú trọng đầu tư một số dự án mới thuộc các lĩnh vực cốt lõi như Khu Công nghiệp Hựu Thạnh diện tích 514ha, tổng mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng; đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình có chiều dài 30km; nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng Phú Mỹ có tổng mức đầu tư 2.600 tỉ đồng; nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị và khu công nghiệp...
Theo báo cáo tài chính năm 2016, mảng khu công nghiệp và hạ tầng giao thông chỉ đóng góp 21% doanh thu nhưng đến 76% lợi nhuận gộp. Doanh thu hoạt động sản xuất và bán lẻ thủy điện tuy chiếm đến 50% doanh thu hoạt động nhưng chỉ đóng góp 15% lợi nhuận gộp. Trong lúc đó, lĩnh vực xây lắp chiếm tỉ trọng doanh thu khá lớn là 24% nhưng chỉ đem lại 4% lợi nhuận và chủ yếu phục vụ các công trình nội bộ trong Tổng Công ty.
Trong đợt cổ phần hóa lần này, IDICO sẽ tiến hành IPO 18,44% vào ngày 5.10.2017, tiếp đó thương lượng giá để bán 45% cho đối tác chiến lược. Sau khi bán ưu đãi 0,56% cho người lao động, dự kiến tỉ lệ sở hữu còn lại của Bộ Xây dựng sẽ là 36%. Với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần, lượng cổ phần lưu hành 300 triệu cổ phần, giá trị vốn hóa ước tính của IDICO vào khoảng 5.400 tỉ đồng.
Các nhà đầu tư chiến lược chịu rủi ro về giá mua, khi mức giá IPO bình quân sẽ được tính là mức tối thiểu để thương lượng. Theo công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, lượng đặt mua đấu giá IDICO gấp 5 lần khối lượng chào bán. Như vậy, theo dự đoán của giới phân tích, giá trúng có thể đẩy lên đến hơn 25.000 đồng/cổ phần, tức cao hơn giá khởi điểm đến gần 40%.
Hằng Nguyễn