Sữa Ấn Độ: Cờ đến tay thì phải phất!
Ấn Độ là một người khổng lồ trong ngành sản xuất sữa, nhưng mới chỉ là gã khổng lồ trong nước. Hiện là nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới, Ấn Độ mang hy vọng sẽ nắm giữ thêm nhiều thị phần hơn tại nước ngoài sau vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn độc của hãng sữa Fonterra, New Zealand.
Mảnh đất màu mỡ cho cuộc xâm chiếm lần này chính là các thị trường như Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Malaysia, Ả Rập Xê-út - những miền đất hứa vừa bị New Zealand bỏ lại.
“Đời thay đổi khi ta thay đổi”
Xưa nay, hầu hết sữa sản xuất ở Ấn Độ đều được tiêu dùng trong nước để đảm bảo nhu cầu ổn định cho 1,2 tỷ người dân Ấn Độ. Mỗi năm, sản lượng sữa trung bình đạt khoảng khoảng 128 triệu tấn. Nhưng một phần lớn nguyên nhân do chính phủ Ấn Độ thường xuyên hạn chế xuất khẩu sữa để đảm bảo giá sữa trong nước không tăng giá.
Nhưng giá sữa giảm không phải luôn là một điều tốt. Cuộc biểu tính có một không hai trong lịch sử quốc gia Nam Á này đã chứng minh mặt trái khi chính phủ cố gắng duy trì một mức giá quá thấp đối với mặt hàng sữa.
Những người bán sữa ở Ấn Độ đem sữa đi đổ trở thành hình ảnh khó quên nhất đối với thủ đô New Delhi những ngày cuối tháng 4/2012. Nguyên dân dẫn đến cuộc biểu tình là nhằm phản đối các hãng sản xuất sữa Ấn Độ giảm giá thu mua.
Năm ngoái, gần 90% trong tổng số 1,9 tỷ USD giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa của Trung Quốc có nguồn gốc từ New Zealand. Do vậy, thị phần sữa nhập khẩu từ Ấn Độ tại thị trường đông dân nhất thế giới còn lại rất nhỏ.
Chưa kể kim ngạch xuất khẩu sữa của Ấn Độ là một con số vô cùng khiêm tốn. Năm ngoái, ngành sữa Ấn Độ chỉ xuất khẩu được 230 triệu USD và vẫn với những thị trường quen thuộc tại Nam Á và Trung Đông.
Kim ngạch xuất khẩu kém, không phải do sức cạnh tranh của ngành sữa Ấn Độ có vấn đề mà đơn giản, do hàng rào luật pháp trong nước không cho phép.
Nhưng với tham vọng đưa ngành sữa trong nước vươn ra thế giới, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ đã hiểu ra rằng, không thể mãi ngồi đợi thời thế thay đổi trong khi vẫn tự hạn chế xuất khẩu sữa ra nước ngoài.
Các nhà sản xuất sữa Ấn Độ mới vừa được tận hưởng cảm giác thoải mái sau khi lệnh cấm xuất khẩu sữa bột tách kem (SMP) được chính phủ dỡ bỏ hồi tháng 8/2012.
Ngay sau tháng 8 lịch sử đó, sự khởi đầu cho mùa cao điểm mới bắt đầu, cả trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng sữa bột tách kem. Hơn nữa, giá sữa xuất khẩu tăng ngày càng thúc đẩy tăng doanh số bán hàng tại thị trường nước ngoài.
Vinayak Patil, Chủ tịch Liên đoàn Hợp tác xã sữa, bang Maharashtra cho biết: "Chúng tôi đang hướng tới mùa sản xuất và xuất khẩu, nhiều đơn hàng xuất khẩu sữa bột tách kem sẽ được thực hiện".
Thiên thời
|
Ít nhất, sự việc Fonterra công nhận sản phẩm của mình có chứa khuẩn độc không chỉ dừng lại ở riêng một hãng sữa mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của nền công nghiệp sản xuất sữa của New Zealand.
Chỉ tính riêng trong năm nay, đồng nội tệ của Ấn Độ đã mất giá gần 10%, rơi xuống mức thấp nhất vào hôm 6/8, khi tỷ giá chạm mốc 61,80 rupee/USD.
Giá sữa bột tách kem tăng hơn 15% trong vòng 6 tháng qua theo đà tăng của USD. Trong bối cảnh đó, sự mất giá của đồng rupee chính là “cơ hội vàng” của ngành sản xuất sữa bột tách kem tại Ấn Độ nhằm hướng đến xuất khẩu.
Triển vọng lạc quan
Chandramogan, giám đốc điều hành của Hatsun Agro Products – một trong những nhà xuất khẩu sữa bột hàng đầu tại Ấn Độ cho rằng, sản xuất sữa của Ấn Độ có thể tăng trưởng gần 5% trong năm nay và 3 tháng đầu năm sau, với sản lượng tăng thêm ước đạt 133 triệu tấn.
Sodhi, giám đốc điều hành của Gujarat Cooperative Milk Marketing Federation cũng đưa ra một dự báo lạc quan. Theo ông Sodhi, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng sữa bột tách kem thêm 100.000 tấn trong năm nay.
Nhưng các nhà sản xuất Ấn Độ cần lưu ý rằng, lợi thế chỉ là ngắn hạn bởi vụ bê bối sữa của những đối thủ cạnh tranh sẽ dần lắng xuống và sự trợ giá ngầm của đồng nội tệ suy yếu sẽ không kéo dài lâu. Nếu như ở New Zealand, các nhà lãnh đạo của Fonterra đã lên tiếng xin lỗi đầy trách nhiệm thì ở Ấn Độ, ngân hàng trung ương cũng đã bổ nhiệm một vị thống đốc mới nhằm chống lại đà mất giá của đồng rupee.
Như vậy, thách thức lớn nhất đối với tiềm năng phát triển trong dài hạn của ngành sữa Ấn Độ là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sữa, cũng như hình ảnh của thương hiệu. Nếu không, một là sẽ đi theo vết xe đổ của Fonterra, hai là mãi quanh quẩn ở thị trường trong nước và sống trong sự bao bọc của chính phủ Ấn Độ.
Cờ đã đến tay, việc còn lại chỉ là sự lựa chọn và quyết tâm thực hiện tham vọng của ngành sữa Ấn Độ đến đâu.
Nguồn Dân Việt