Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tăng trưởng mạnh mẽ
Báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, tạp hóa vẫn duy trì vị trí thống trị kênh mua sắm tại cả khu vực thành thị và nông thôn của Việt Nam trong năm 2016.
Thị phần cửa hàng bách hóa lẫn tiệm tạp hóa tại thành thị tăng thêm 1% so với năm 2015 lên 61%. Tại nông thôn, thị phần của kênh bán lẻ này tăng từ 75% lên 76%.
Trong khu vực thành thị, thị phần của siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tăng từ 2% lên 3%, thị phần của siêu thị vẫn ở mức 13%.
Thị phần và tăng trưởng về giá trị của các kênh mua sắm trong năm 2016. Nguồn: Kantar Worldpanel |
Tuy vậy, giá trị của siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tăng trưởng mạnh mẽ 36% so với cùng kỳ ở khu vực thành thị. Giá trị của tiệm tạp hóa và chợ truyền thống không tăng trưởng trong năm qua. Trong khi đó, giá trị cửa hàng bách hóa tăng 11%, còn giá trị siêu thị, đại siêu thị giảm 1%.
Kantar Worldpanel đánh giá hiện nay, mô hình bán lẻ nhỏ và thuận tiện đang là nguồn tăng trưởng chính của thị trường.
Theo Kantar, tăng trưởng ngành FMCG tại thị trường thành thị và nông thôn tốt hơn trong quý cuối năm. Thị trường thành thị năm 2016 tăng gần gấp đôi so với nông thôn.
Đi vào ngành hàng cụ thể, trong khi hầu hết các ngành hàng tại thành thị tăng trưởng tốt hơn năm ngoái, thì tăng trưởng giảm hầu hết tại các ngành hàng ở nông thôn, rõ nhất là ngành hàng sữa, thức uống và chăm sóc gia đình.
Bánh gạo và nước giặt tiếp tục là ngành hàng tiêu biểu của năm tại cả thành thị và nông thôn. Mặc dù thị trường nông thôn gặp khó khăn, nhưng các sản phẩm dinh dưỡng vẫn liên tục mở rộng được mạng lưới tiêu dùng ở khu vực này.
Các sản phẩm dinh dưỡng và có tính giải trí sẽ tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu các ngành hàng tăng trưởng. Bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và họ cũng có khuynh hướng chi tiêu nhiều hơn cho việc giải trí, chiều chuộng bản thân… nhằm giảm bớt áp lực khi cuộc sống bận rộn hơn.
Nhật Duy