Hải Vân Thứ Tư | 05/12/2018 09:32

Sếp Vinamilk: "Khi hội nhập, thách thức sẽ đến trước và thấy ngay”

Đưa sữa của Việt Nam sang các nước ôn đới, nước đã phát triển, không khác gì đưa củi về rừng.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), một doanh nghiệp sữa lớn của Việt Nam, đã xuất khẩu ra hơn 43 nước trên toàn thế giới, đang phấn đấu đến năm 2020 doanh số bán hàng tại nước ngoài sẽ chiếm khoảng 25% doanh thu.

Thế nhưng, Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), ông Trịnh Quốc Dũng, tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế Quốc tế Việt  Nam 2018, hôm 4.12, vẫn lo ngại, tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện các FTA thế hệ mới có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vinamilk thời gian tới.

Thách thức không dễ chịu

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sữa đến năm 2020 đặt ra ở mức rất khiêm tốn, chỉ từ 120-130 triệu USD/năm.

Cơ hội từ cho ngành sữa từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện EVFTA, CTTPP là “có nhưng không nhiều”, nhưng cạnh đó là “những thách thức không hề dễ chịu”,  Giám đốc Điều hành Vinamilk nhận định.

Theo quan sát của ông Dũng, hiện nay các sản phẩm của nhiều cường quốc về sữa như Úc, New Zealand, Mỹ, Nhật và châu Âu, đã có mặt tại Việt Nam. Ngay khi FTA có hiệu lực, sản phẩm của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nội địa ngay trên chính thị trường Việt Nam.

Việt Nam có thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao, khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại từ Úc, New Zealand...

Sep Vinamilk:
 

Các doanh nghiệp sữa từ những nước này rất năng động, với đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị tốt. “Thách thức sẽ đến trước và thấy ngay”, trong khi đưa sữa của Việt Nam sang các nước ôn đới, đã phát triển, không khác gì “chở củi về rừng”.

Trong bối cảnh đó, nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. Bởi vì, cạch tranh và đối diện với nhiều rủi ro, kể cả phá sản của nhiều doanh nghiệp trong ngành, là không khó đoán định.

Thị trường nội địa là quyết định

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải, tại Diễn đàn này, đã thừa nhận: “Mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng”.

“Chúng ta vẫn cần cải thiện chất lượng của công tác điều hành và cải cách thể chế kinh tế”, Thứ trưởng Công thương nhận định, dù tin rằng: “Chính phủ, các bộ ngành đã có thêm kinh nghiệm và dư địa chính sách để ứng phó với những xu thế thương mại mới”.

Trên thực tế, các FTA tỏ ra có vẻ công bằng với các bên tham gia. Tuy nhiên, thương mại thực sự bình đẳng còn phải trải qua nhiều thời gian và nhiều chặng đường hơn nữa.

Hiện nay, mỗi một nền kinh tế đều có phương pháp riêng triển khai các hiệp định này, tạo ra nhiều rào cản hợp pháp để ngăn chặn bớt dòng chảy hàng hóa từ nước ngoài vào nội địa, đồng thời phải khơi thông dòng chảy cho hàng hóa trong nước đi ra nước ngoài.

Tại Việt Nam, ông Trịnh Quốc Dũng cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng hiện nay rất quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp. Song, ông đề nghị: “Chính phủ đôn đốc và xử lý các cấp chính quyết bên dưới cũng phải quyết liệt, tận tâm vì dân như Chính phủ”.

Thêm nữa, các Bộ ngành cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, trên cơ sở các cơ chế chính sách thông thoáng. “Hiện nay còn rất nhiều các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, nhất là ở các cấp trực tiếp mà doanh nghiệp vẫn phải đương đầu”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, các bộ ngành cần triển khai nhanh các thủ tục hành chính trực tuyến để người dân, doanh nghiệp không phải tiếp xúc với các bộ phận, cá nhân thường xuyên tạo ra các khó khăn để nhũng nhiễu.

Sep Vinamilk:
 

Ông Dũng nói: “Những cơ chế công khai minh bạch hoạt động của các bộ phận xử lý thủ tục hành chính để người dân giám sát, sẽ hạn chế thấp nhất nhũng nhiễu của người thực thi công vụ với doanh nghiệp”.

Số liệu từ Hiệp hội Sữa Việt Nam ghi nhận năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đã đạt 300 triệu USD. Doanh nghiệp sữa xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường ASEAN và Trung Đông, với hai dòng sản phẩm chủ lực sữa chua, sữa nước.

Năm 2019, Việt Nam phải thực thi các cam kết của EVFTA, CTTPP bên cạnh việc  tiếp tục thực hiện các cam kết từ các FTA đã ký. Giám đốc điều hành Vinamilk cho rằng các doanh nghiệp sữa Việt Nam phải chủ động tham gia vì “không có con đường nào khác”.

Nhưng ông cũng nói “không có đáp án chung nào đúng cho tất cả mọi bài toán khi tham gia hội nhập”. Theo ông Dũng, cơ hội thành công ở thị trường nước ngoài sẽ rất ít nếu doanh nghiệp thất bại khi cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường trong nước.

Thị trường nước ngoài là quan trọng nhưng từ kinh nghiệm của Vinamilk, ông Dũng khuyến cáo “thị trường nội địa là quyết định”. Theo ông, mỗi một một doanh nghiệp đều có những điểm đặc thù riêng, nên cần chủ động đi những con đường riêng, sáng tạo ra những sản phẩm đặc thù.