Ngày 2/12, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC, nâng vốn điều lệ SCIC đến 2015 lên 50.000 tỷ đồng.
SCIC có vốn ban đầu khi được thành lập theo quyết định của Thủ tướng năm 2005 là 5.000 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2013, tổng tài sản của SCIC đã tăng gấp 13 lần so với thời điểm thành lập, tổng vốn chủ sở hữu lên hơn 30.000 tỷ đồng.
Ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, bán phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.
|
Quy mô vốn điều lệ của SCIC đến năm 2015 sẽ là 50.000 tỷ đồng. |
Trước đó, bàn về đề xuất xin tăng vốn điều lệ của SCIC, bà Phạm Chi Lan cho rằng, thời gian vừa qua SCIC đã hoạt động không hiệu quả. Bà Chi Lan dẫn chứng, SCIC đầu tư vào Vinaconex. Bỏ hàng nghìn tỷ đầu tư vào đấy, trong khi bản thân toàn ngành xây dựng đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, giai đoạn thoái trào do xây dựng đạt hiệu quả thấp.
"Hướng cơ bản của SCIC kể cả nếu như muốn tăng vốn thì phải bằng cách bán bớt các doanh nghiệp, chứ không cần thiết phải giữ số vốn lớn của Nhà nước. Đấy là hướng chính chứ không phải là tăng thêm vốn cho SCIC làm gì", bà Phạm Chi Lan nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, nếu quy mô hoạt động của SCIC không có gì thay đổi thì việc tăng vốn ở đây là không phù hợp.
Cách nay 1 năm, SCIC từng gây "ầm ĩ" trong dư luận vì khoản tiền lên đến 19.600 tỷ đồng mang đi gửi ngân hàng để kiếm lãi. Cụ thể, theo báo cáo của SCIC năm 2012, doanh thu mà SCIC đạt được là 3.888 tỷ đồng, trong đó, có tới 55% doanh thu, tương đương với 2.151 tỷ đồng là doanh thu cổ tức; còn doanh thu tài chính chiếm tỷ trọng 40% trong tổng doanh thu 2012, đạt 1.568 tỷ đồng.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho rằng, SCIC làm đúng luật, thậm chí trong tình hình thị trường không thuận lợi thì đây là cách làm tỉnh táo để bảo toàn vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc SCIC mang vốn nhà nước đi gửi ngân hàng lấy lãi trong khi trên cả nước, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản vì không tiếp cận được vốn là bất hợp lý.
SCIC giữ lại Vinamilk, thoái vốn Bảo Việt SCIC sẽ đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dược Hậu Giang và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam đang mang lại khoản cổ tức khổng lồ và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp. Tại Vinamilk, với tỷ lệ sở hữu 45% (hơn 375 triệu cổ phiếu) tính tại 30/6/2013, 9 tháng đầu năm SCIC đã thu được hơn 1.400 tỷ đồng cổ tức. Dược Hậu Giang cũng mang lại gần 100 tỷ đồng thông qua hơn 28,3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Tại FPT Telecom và Tái bảo hiểm quốc gia, SCIC lần lượt sở hữu 50% và 40% vốn. SCIC sẽ thoái vốn tại 376 doanh nghiệp, trong đó có những đơn vị đáng chú ý như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong... Mục tiêu đến 2015, danh mục đầu tư vốn của SCIC sẽ còn không quá 100 doanh nghiệp. |