SCIC đang toan tính gì ở Traphaco?
Chiếc ghế nóng” Chủ tịch ở Traphaco đã chính thức có chủ sau phiên họp Hội đồng Quản trị diễn ra hôm 5.4 vừa qua. Theo đó, bà Vũ Thị Thuận đã chiến thắng 6 thành viên còn lại để tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị ở Traphaco.
Sở dĩ câu chuyện “Ai là Chủ tịch Traphaco” trở nên nóng sốt là vì trước thềm đại hội cổ đông, thị trường bỗng chứng kiến cuộc đua căng thẳng giữa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các cổ đông trong việc giới thiệu người vào chức Chủ tịch.
SCIC, cổ đông lớn nhất ở Traphaco, đã tiến cử 4 người vào ban quản trị với mục đích “hất cẳng” bà Vũ Thị Thuận. Nhưng quỹ Vietnam Holding Limited, cổ đông lớn thứ 3, nắm 10,43% vốn điều lệ ở Traphaco đã đề cử bà Thuận vào danh sách. Kết quả, bà Thuận là người trúng cử với số phiếu bầu chọn cao nhất.
Nhà đầu tư vẫn chưa hết hồi hộp. Với 3 đại diện trong ban quản trị, SCIC vẫn có thể chuyển bại thành thắng. Đó là chưa kể SCIC đã thành công trong việc phủ quyết một số nội dung sửa đổi điều lệ ở Traphaco. Theo đó, khi tổ chức Đại hội cổ đông, Công ty vẫn phải giữ nguyên tỉ lệ tham gia tối thiểu là 65% cổ phần có quyền biểu quyết ở lần 1 và 51% cho lần 2; Traphaco muốn sửa đổi, quyết định một số nội dung đặc biệt vẫn cần 75% cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý. Còn khi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, cần ít nhất 75% cổ phần có quyền biểu quyết chấp nhận.
Theo cách thức này, dù chỉ nắm giữ hơn 35% vốn điều lệ ở Traphaco thì tiếng nói của SCIC luôn có tính quyết định. Traphaco không thể nâng tỉ lệ sở hữu ở Công ty Công nghệ Cao Traphaco lên 90% là bởi vấp phải cái lắc đầu của SCIC. Quyền lực này cho đến hiện tại vẫn được đảm bảo.
Nhưng sự vững ngôi của bà Vũ Thị Thuận trên cương vị Chủ tịch khiến cổ đông Traphaco thở phào. Họ nhẹ nhõm vì 2 lý do. Thứ nhất, Traphaco vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi người phụ nữ đã có 37 năm gắn bó với Traphaco, người đã đưa Công ty trở thành một trong những hãng dược lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, sự rút lui vào phút chót, bằng lá phiếu ủng hộ bà Thuận, đã cho thấy SCIC có tinh thần cầu thị.
Xuất phát điểm của Traphaco là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2000,Traphaco trở thành một trong những công ty dược tiên phong cổ phần hóa. Nhờ đó, Công ty sớm thoát khỏi chiếc áo chật chội để nhanh chóng phát triển. Theo báo cáo thường niên, giai đoạn 2000-2010 chứng kiến sự lột xác ở Traphaco như đẩy mạnh hoạt động ra các tỉnh thành, khánh thành nhà máy sản xuất thuốc, lập Công ty Công nghệ cao Traphaco, tiến hành IPO năm 2007 và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán ngay sau đó (năm 2008).
Một số chỉ tiêu tài chính ở Traphaco (2011-2015) |
Trong chặng đường đó, Nhà nước đã phát hiện ra tài năng lãnh đạo của bà Vũ Thị Thuận và giao phó nhiệm vụ phát triển Traphaco cho bà. Bà vừa là Chủ tịch vừa là Tổng Giám đốc ở Traphaco suốt những năm 2003-2010. Từ năm 2011, có lẽ muốn phá bỏ tính quyền lực đang tập trung cao ở người đứng đầu Traphaco, cũng là muốn chuyên nghiệp hóa, tách bạch hoạt động quản trị với quản lý, SCIC đã rút bà Thuận khỏi vai trò kiêm nhiệm. Chức vụ Tổng Giám đốc thuộc về người khác. Nhưng uy tín giúp bà Thuận nhận được nhiều sự ủng hộ và bà tiếp tục giữ vị trí đầu tàu ở Traphaco.
5 năm trở lại đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Traphaco với doanh thu tăng trưởng trung bình hơn 18% còn lợi nhuận tăng 22,1%. Traphaco cũng đã mở rộng mạng lưới phân phối khắp cả nước qua 20 chi nhánh, 3 công ty con, phân phối và bán hàng trực tiếp đến 22.000 khách hàng bán lẻ.
So với tốc độ tăng trưởng chung của ngành dược giai đoạn này là 7%, Traphaco đã có sức bật ấn tượng. Đây cũng là lý do để SCIC không buông Traphaco. Theo kế hoạch, SCIC sẽ tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn tại hãng dược này. Ngoài ra, cũng như Traphaco, phần vốn góp của SCIC ở Dược Hậu Giang vẫn sẽ được giữ nguyên với tỉ lệ 43,4%.
Với đặc điểm cùng là doanh nghiệp sớm được cổ phần hóa, cùng dẫn đầu ngành cả về vị thế, kinh doanh và công nghệ, Traphaco, Dược Hậu Giang hay Vinamilk được đều xem là những “con gà đẻ trứng vàng” cho SCIC. Đây cũng là những doanh nghiệp có các nữ lãnh đạo tài năng và dấu ấn cá nhân của họ trong chặng đường phát triển công ty rất đậm nét suốt thời kỳ dài. Chính yếu tố này mà SCIC khó có thể bình thản giao quyền cho các nữ lãnh đạo như trước.
Ngoài Traphaco, người ta từng thấy SCIC can thiệp sâu về nhân sự ở cả Dược Hậu Giang lẫn Vinamilk. Kết quả, sau hàng chục năm đảm nhận vị trí Chủ tịch, ngày 1.5.2014, bà Phạm Thị Việt Nga bất ngờ rời ghế. Những tưởng đó là lần nghỉ hưu hẳn, không còn vướng bận gì ở Dược Hậu Giang, bởi giữa năm 2012, chức Tổng Giám đốc đã giao lại cho người khác. Nhưng có lẽ cái bóng của bà Nga quá lớn nên cùng với việc rời ghế Chủ tịch, chức Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang cũng đồng thời giao lại cho bà.
Từ đó đến nay, người ta không còn thấy bà Nga “tung hoành ngang dọc” như trước. Có thể một phần do môi trường kinh doanh khốc liệt hơn và phần vì Dược Hậu Giang có đại diện khác ở SCIC “cầm cương”, một đại diện không trong ngành lại không chỉ giữ duy nhất chức Chủ tịch nơi đây. Chính bà Nga cũng từng chia sẻ, nhiệm vụ bây giờ của bà khá “thảnh thơi”, chủ yếu là phản biện các dự án của cấp dưới. Hiện tại, Công ty vẫn kinh doanh ổn định nhưng doanh thu, lợi nhuận đã không còn ấn tượng như trước.
Nếu Dược Hậu Giang là ví dụ không mấy thành công trong tổ chức lại quyền lực của SCIC thì Vinamilk ngược lại. Việc chuyển giao quyền lực giữa bà Mai Kiều Liên, linh hồn của Vinamilk suốt hơn 30 năm qua và bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch mới, diễn ra êm thấm. Bà Liên nhận thấy việc tách bạch chức vụ Chủ tịch và Tổng Giám đốc là điều tất yếu.
Còn bà Tâm là thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, không đại diện vốn Nhà nước dù bà từng làm Chủ tịch ở SCIC. Năm 2013, bà Tâm được một nhóm cổ đông đại diện cho khoảng 11% vốn cổ phần giới thiệu. Bà Tâm cũng là người có trình độ được kính nể. Đặc biệt, trong phát biểu trước báo chí sau ngày nhậm chức Chủ tịch Vinamilk không lâu, bà Tâm cũng nêu rất rõ quan điểm của mình: “Trách nhiệm của tôi là phối hợp cùng với Tổng Giám đốc thực hiện đúng những gì đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Khi làm không đúng mục tiêu đề ra thì có muốn cũng không ngồi ghế Chủ tịch được”.
Với quan điểm này của vị tân Chủ tịch cùng khả năng lãnh đạo đã được minh chứng ở bà Liên, sự phối hợp giữa hai nữ lãnh đạo này vẫn nhịp nhàng và tăng trưởng ở Vinamilk vẫn được duy trì.
Hãy trở lại với Traphaco. Sau những căng thẳng, bà Thuận tin tưởng, bà đủ khả năng để dung hòa và đảm bảo quyền lợi các bên. Bà cũng hy vọng Công ty sẽ tiếp tục ổn định để có thể theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng sắp tới. Traphaco đã là doanh nghiệp đứng đầu cả nước về đông dược và đang nỗ lực đẩy mạnh tân dược, với nhà máy mới dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2017. Kế hoạch ở Traphaco là doanh thu tăng 12% và lợi nhuận tăng 15% trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.
Thủy Ngọc