Mô hình Phúc Long e-Office sẽ đáp ứng nhu cầu của những khách hàng cần không gian yên tĩnh để làm việc, học tập, hay họp bàn. Ảnh: Vietnammoi.

 
Minh Anh Thứ Tư | 17/03/2021 17:16

Sau cà phê, Phúc Long tham gia lĩnh vực văn phòng cho thuê

Sau nhiều thông tin đồn đoán về việc bán thương hiệu cho đối tác, Phúc Long vừa đưa ra thông tin về việc ra mắt mô hình kinh doanh mới.

Mới đây, Fanpage của thương hiệu trà và cà phê Phúc Long của Công ty TNHH Sản Xuất - Thương Mại Phúc Long bất ngờ thông báo về việc ra mắt một mô hình mới với tên gọi e-Office, được miêu tả là "không gian tiện ích cho ngày làm việc hiệu quả".

Theo thương hiệu trà và cà phê này, mô hình Phúc Long e-Office sẽ đáp ứng nhu cầu của những khách hàng cần không gian yên tĩnh để làm việc, học tập, hay họp bàn. Mô hình sẽ nằm ở khu vực trung tâm, với không gian được trang bị đầy đủ dụng cụ văn phòng, ổ cắm điện; máy in, nước nóng lạnh, màn hình trình chiếu, bảng viết... Khi làm việc tại đây, khách hàng cũng sẽ được thưởng thức trà và cà phê Phúc Long với giá ưu đãi.

Ảnh: Phuclong.
Sân chơi mà Phúc Long vừa tiến vào bao gồm nhiều tên tuổi lớn. Ảnh: Phuclong.

Đối tượng khách hàng của mô hình này được giới thiệu là các đội, nhóm cần một nơi làm việc/học tập mỗi ngày với đầy đủ dụng cụ, ổ điện, bàn ghế phù hợp. Hoặc cần một không gian yên tĩnh, cách biệt với khu vực tự phục vụ.

Bên cạnh đó, Phúc Long e-Office còn cung cấp phòng họp đầy đủ màn hình, bàn họp, khu vực riêng tư, toạ lạc tại khu vực trung tâm, phù hợp với nhiều nhu cầu, ngành nghề, đối tượng khách hàng khác nhau.

Theo đánh giá gần đây của Savills, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 cùng các yếu tố thuận lợi về dân số trẻ và sự phát triển của ngành công nghệ thông tin đang tiếp tục thúc đẩy mạnh nhu cầu không gian văn phòng linh hoạt năm 2021.

Sân chơi mà Phúc Long vừa tiến vào bao gồm nhiều tên tuổi lớn như: Toong của doanh nhân Dương Đỗ, CoGo của cựu Chủ tịch HĐQT Trần Anh, ông Trần Xuân Kiên, hay Dreamplex được sáng lập bởi doanh nhân trẻ Nguyễn Trung Tín.

Cạnh tranh gay gắt

Hiện Phúc Long đã triển khai mô hình e-Office đầu tiên tại cửa hàng Phan Văn Trị, P.10, Gò Vấp, TP.HCM. Và sắp tới là Phúc Long Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, cũng như Phúc Long 1B Cộng Hoà.

Khách hàng đến với Phúc Long e-Office có thể chọn các gói thuê văn phòng theo ngày, tuần, hoặc tháng. Tuy nhiên, công ty chỉ phục vụ với số lượng khách giới hạn mỗi ngày để bảo đảm môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Theo chia sẻ, mô hình e-Office sẽ được thiết kế với không gian tách biệt khu vực phục vụ chung. Tuy nhiên mô hình này chỉ được áp dụng tại một số cửa hàng trong TP.HCM chứ không phải tất cả các chuỗi quán.

Hiện tại, tính hiệu quả của mô hình pha trộn giữa bán trà, cà phê với co-working space của Phúc Long vẫn còn là dấu hỏi lớn. Nhiều người thắc mắc liệu thương hiệu này sẽ dùng nguyên cả cửa hàng để làm co-working và tập trung bán online, hay chỉ một vài góc dành riêng cho mảng không gian làm việc chung.

Ảnh Zing
Phúc Long nằm trong nhóm chuỗi cà phê  dẫn đầu thị trường. Ảnh: Vnexpress.

"Nếu nguyên sàn thì e không hiệu quả về mặt quay vòng đối với Phúc Long. Khách uống tại chỗ của Phúc Long khá nhiều, mảng bán online qua ứng dụng chỉ là một phần nhỏ. Còn chỉ cho một vài góc, thì ban đầu có thể thu hút vì đến khá ‘chill’, nhưng những người làm việc nghiêm túc sẽ dần thấy rằng thực không hiệu quả về mặt công việc, khéo lại xôi hỏng bỏng không...", một người trong ngành nhận định.

Thương hiệu trà và cà phê Phúc Long lần đầu xuất hiện năm 1957, tập trung vào hoạt động bán và giới thiệu sản phẩm. Từ năm 2012, Phúc Long chính thức tiến lên mô hình chuỗi cửa hàng trà và cà phê có mặt ở nhiều vị trí đắc địa của TP.HCM.

Năm 2019, doanh thu chuỗi Phúc Long đạt 779 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận khiêm tốn chỉ hơn 20 tỉ đồng. Tính đến nay, chuỗi F&B này có khoảng 80 cửa hàng, đồng thời là chuỗi trà và cà phê có quy mô lớn thứ 3 trên thị trường, xếp sau các thương hiệu như: Highlands Coffee và The Coffee House.

►Về với Vinamilk, Vilico "bắt tay" đối tác Nhật lập liên doanh bò thịt