Quyền lực tiêu dùng
Thông điệp được đúc kết tại buổi tọa đàm “Chất lượng mũ bảo hiểm (MBH) - Trách nhiệm của nhà sản xuất - Cơ quan quản lý” do Báo Người Lao Động tổ chức vào chiều 19-3 là phải hành động quyết liệt để MBH dỏm không còn tung hoành trên thị trường.
Làm cách nào trong khi hiện đã có đầy đủ các luật và văn bản dưới luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH; trách nhiệm của các cơ quan ban - ngành hữu quan cũng đã được phân định rạch ròi? Đại diện CSGT nói ngay cả bản thân mình nhiều khi thi hành nhiệm vụ cũng không thể phân biệt đâu là MBH thật, đâu là MBH dỏm. Ngành công thương, cụ thể là QLTT, cũng thừa nhận rằng không thể kiểm tra, ngăn chặn xuể vì các hình thức sản xuất, kinh doanh MBH dỏm biến tướng liên tục. Bản thân các nhà sản xuất MBH chính danh cũng tố cáo vì lợi nhuận, giới làm MBH dỏm không từ thủ đoạn nào để đối phó cơ quan chức năng. Những tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng than phiền rằng người dân bị thiếu thông tin, bị thiệt thòi khi nguy cơ sử dụng MBH dỏm là khó tránh, nếu dùng phải hàng dỏm thì bị phạt tiền...
Ông Mai Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Kỹ thuật Á Châu, trần tình: “Chỉ cần vốn 1-2 triệu đồng là gian thương có thể tổ chức làm giả MBH, làm ào ạt, các doanh nghiệp làm MBH thật biết rõ chuyện đó nhưng đành phải sống chung trong sự cạnh tranh không lành mạnh. Phải phạt thật nặng đối tượng làm giả MBH!”. Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM, than vãn: “Điểm nào làm giả MBH, chính quyền phường, xã và cảnh sát khu vực biết hết; QLTT phải phối hợp với họ chứ một mình không làm xuể”. Nhưng vấn đề là khi kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt rồi thì cũng chẳng khác nào “chặt đầu Phạm Nhan”, triệt hết điểm này thì điểm khác mọc lên vì mức phạt quá nhẹ, chỉ 2-4 triệu đồng/trường hợp/lần vi phạm. Mạng người không thể rẻ như vậy!
Có ý kiến đề xuất tăng mức phạt lên 100 triệu đồng/trường hợp/lần vi phạm, nếu vi phạm lần thứ ba thì xử lý hình sự. Mong muốn là vậy nhưng sửa luật nào phải dễ...
Không dễ! Khó lắm! Bó tay! Những thán từ ấy được các đại biểu dự tọa đàm nhắc lại nhiều lần. Điều ấy dễ dàng chia sẻ được bởi cuộc chiến chống hàng giả bao giờ cũng gian nan, khốc liệt. Cán bộ hữu trách và nhà sản xuất chân chính có thể nâng cao trách nhiệm và sự trung thực đối với cộng đồng nhưng đối với gian thương thì chúng ta không thể đòi hỏi những phẩm chất ấy, tức là cuộc chiến chống hàng giả sẽ mãi là cuộc trốn tìm.
Vì thế, quyền lực còn lại thuộc về người tiêu dùng. Thị trường không thiếu MBH chất lượng. Một khi người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay MBH giả, dỏm thì gian thương ký sinh trên mặt hàng này hết đất sống. Hãy sử dụng MBH “chính chủ” vì không chỉ bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của mình mà còn là cách để đẩy lùi gian thương, góp tay xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.
(Theo NLĐ)