Quá ít doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 7/2014, cơ quan này đã cấp 180 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang sức mỹ nghệ, con số này tương đương khoảng 5% so với tổng số 3.000 DN đang hoạt động.
Theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng, từ ngày 26/5/2013 những đơn vị sản xuất trang sức mỹ nghệ phải có Giấy chứng nhận do NHNN cấp sau khi được Sở KH&ĐT địa phương cấp Đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, từ đầu năm 2014 đến nay, Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh mới chỉ cấp được 270 Giấy phép kinh doanh mới cho những DN đi đăng ký lại theo quy định của Nghị định 24. Một nhân viên phòng đăng ký kinh doanh Sở này cho biết, nhiều DN trước đây vừa sản xuất vừa kinh doanh nhưng nay rút lại chỉ còn hoạt động kinh doanh trang sức nên không đăng ký lại nội dung sản xuất vì phải có điều kiện được NHNN chứng nhận.
Thị trường vàng TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn giữ vị trí lớn nhất nước về quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh doanh. Trong đó, hai đơn vị lớn sản xuất nữ trang là Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ sản xuất trang sức vàng và bạc. Song song với hệ thống các công ty gia đình ở khu vực Quận 5 sản xuất trang sức mỹ nghệ phân phối về các tỉnh phía Nam theo mối hàng quen.
Khi chưa có Nghị định 24, những mô hình chế tác trang sức mỹ nghệ gia đình này không cần có giấy chứng nhận, chỉ cần có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng. Hiện nay, điều kiện về vốn chỉ đáp ứng một trong các điều kiện, muốn hoạt động sản xuất trang sức mỹ nghệ phải có thêm giấy chứng nhận từ NHNN trong quy định thống nhất quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng và trang sức mỹ nghệ của Chính phủ.
Hoạt động nhỏ-lẻ, phân tán nên khó kiểm soát
Tại Nghị định 95 về xử phạt các vi phạm về tiền tệ và vàng có đưa ra mức phạt về hành vi này từ 50-100 triệu đồng. Trong một đánh giá mới đây của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, rất khó xác định được đơn vị kinh doanh có sản xuất trang sức mỹ nghệ trong đó không. Thực tế là kinh doanh nữ trang thì không cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang sức mỹ nghệ, thế nên việc các đơn vị vừa sản xuất vừa kinh doanh lẫn lộn gây khó khăn cho thống kê quản lý. Mặc dù giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang sức mỹ nghệ chỉ đơn thuần là điều kiện cần và đủ cho một loại hình hoạt động có điều kiện để quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều DN không muốn minh bạch hoạt động sản xuất trang sức do họ sử dụng công cụ thuế khoán ở các chợ truyền thống để tiết giảm chi phí hoạt động. Đặc biệt lại không muốn công bố tài sản, dù rằng mô hình hoạt động như một DN tư nhân quy mô có đến vài trăm thợ lành nghề. Bên cạnh đó, nhiều DN hiện núp dưới danh nghĩa chỉ hoạt động gia công những công đoạn như: phân kim, gò hàn bạc… không cần phải giấy chứng nhận của NHNN.
Hơn nữa từ “chế tác” chỉ được sử dụng một lần trong phần giải thích từ ngữ của Nghị định 24 “vàng trang sức, mỹ nghệ là sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 kara (33,33% vàng nguyên chất) trở lên đã qua gia công, chế tác phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật”. Nên nhiều đơn vị có thể hiểu là một loại lao động kỹ thuật tinh xảo, thợ lành nghề tác động vào nguyên vật liệu để cho ra sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ.
Trong khi Nghị định 24 quy định sản xuất trang sức mỹ nghệ có hẳn một nội dung riêng về hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó phần lớn hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ thuộc về thành phần kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể chiếm áp đảo so với các thành phần kinh tế khác, nên các đơn vị này không muốn đăng ký lại sau khi Nghị định 24 có hiệu lực. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất trang sức nếu bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm hành chính và xảy ra những tranh cãi về quy định.
Đáng chú ý là đơn vị làm gia công theo quy định hiện hành không phải xin cấp Giấy chứng nhận và không chịu sự thanh tra của NHNN… chỉ có đơn vị sản xuất trang sức mỹ nghệ mới chịu sự điều chỉnh của những quy định này. Theo Phòng quản lý Vàng (NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh), những đơn vị hoạt động sản xuất trang sức mỹ nghệ trên địa bàn khi cần Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang sức mỹ nghệ sẽ được cơ quan này hướng dẫn chi tiết và phải hiểu đây là thủ tục pháp lý xác nhận “đủ điều kiện” chứ không cần phải giấy phép.
Nguồn Thời báo Ngân hàng