Nhiều doanh nghiệp ngoại muốn đầu tư nhà máy dệt nhuộm tại Việt Nam. Nguồn ảnh: baodautu.vn
Phụ thuộc nguyên liệu của Trung Quốc, Dệt may Việt khó hưởng lợi từ FTAs
Đầu tư dệt, nhuộm bị từ chối
Các hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết đều quy định, sản phẩm dệt may muốn được hưởng thuế ưu đãi thì phải đảm bảo quy tắc xuất xứ. Nếu như trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước kia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1 - 2 công đoạn, thì hiệp định CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi, dệt và hoàn thiện vải, cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên CPTPP.
Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu từ sợi trở đi hầu như gặp rất nhiều khó khăn với ngành dệt may Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chia sẻ giữa năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã từ chối dự án nhà máy dệt nhuộm của tập đoàn Hong Kong TAL. Sau đó, tập đoàn này tìm đến Thái Nguyên và được Chính quyền địa phương đồng ý nhưng đến lượt Bộ Tài Nguyên-Môi trường không chấp thuận vì sợ nguồn nước thải từ nhà máy sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước lại không đủ nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu trong đầu tư sản xuất dệt nhuộm. Đó là nguyên nhân khiến ngành dệt may càng bị thách thức nhiều hơn khi Việt Nam thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP và kỳ vọng sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM chia sẻ hiện nay Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 90% vải các loại từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... hay 80% sợi để sản xuất là nhập khẩu từ Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018 cả nước đã nhập khẩu 23,91 tỉ USD nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, tăng 13,9% so với năm 2017.
Trong thống kê của Vitas, trung bình mỗi năm, cả ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên phụ liệu, trong đó khoảng 70% nhập từ Trung Quốc. Nếu tiếp tục nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ khó có cơ hội được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA.
“Hết địa phương từ chối đến bộ ngành không cấp phép, vì vậy bài toán trong đầu tư dệt và nhuộm vẫn chưa có lời giải, bà Tuyết Mai chia sẻ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam muốn đầu tư nhà máy dệt nhuộm và cam kết đầu tư xử lý nước thải để không gây ô nhiễm môi trường nhưng các tỉnh đều từ chối, bà Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp dệt may cũng phải đối đầu với khó khăn về thiếu nguồn laoa động. Vài năm gần đây các doanh nghiệp dệt may khó khăn trong tuyển lao động, ông Hồng chia sẻ.
Cạnh tranh gay gắt
Cũng theo ông Hồng, ngành dệt may của Việt Nam còn một khó khăn nữa là đang cạnh tranh rất lớn với các nước khác như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ... các nước này ngày càng nâng cao trình độ trong sản xuất nên các doanh nghiệp dệt may trong nước không cải tiến, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sẽ không thể tồn tại được. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế là tình hình kinh tế chính trị xã hội ổn định hơn. Điều này cũng giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi rót vốn đầu tư.
Theo bà Phạm Minh Hương, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam, dệt may Việt Nam còn có lợi thế thu hút doanh nghiệp nước ngoài là kim ngạch xuất khẩu hằng năm khá lớn đã kéo theo chuỗi cung ứng từ bên ngoài vào tham gia đầu tư ngay tại Việt Nam. Bên cạnh Trung Quốc là nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng gần đây chi phí lao động, chi phí sản xuất đã tăng cao. Cộng thêm các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia như CPTPP khiến cho thị trường dệt may Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Hiệp hội dệt may Việt Nam đưa mục tiêu xuất khẩu của ngành năm là 40 tỉ USD, cao hơn 10,5% so với con số xuất khẩu 36,2 tỉ USD của cả năm ngoái. Sau làn sóng dịch chuyển vào Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đang chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2018.