Phía sau cái bắt tay giữa “hai người khổng lồ” Việt Nam
Nhờ thương vụ hợp tác chiến lược, sản phẩm của Vinamilk, sắp tới, sẽ xuất hiện với bao bì được thiết kế riêng trên những chuyển bay của Vietnam Airlines xuất phát từ Việt Nam.
Ngày 6.8, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố chương trình hợp tác chiến lược với mục tiêu cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng quốc tế cho khách hàng. Thỏa thuận hợp tác giữa Vietnam Airlines và Vinamilk có thời gian 5 năm. Theo đó, các sản phẩm của Vinamilk sẽ xuất hiện với bao bì được thiết kế riêng mang hình ảnh đồng thương hiệu trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Nhắc đến thương hiệu Việt, không nhiều cái tên đã khẳng định được vị thế về cả giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ. Cũng vì thế cái bắt tay giữa hai “người khồng lổ” trong hai lĩnh vực riêng biệt, như Vinamilk và Vietnam Airlines, lại càng thêm đặc biệt.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt, việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các thương hiệu Việt, giúp tăng hàm lượng nội địa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt. Đánh giá về “cái bắt tay” giữa Vietnam Airlines và Vinamilk, ông Doanh cho rằng đây chính là minh chứng cho thấy doanh nghiệp Việt đã trưởng thành, vươn lên đạt trình độ khu vực và quốc tế, không nhất thiết phải hợp tác với các doanh nghiệp ngoại.
Vietnam Airlines chờ đợi gì từ thương vụ hợp tác?
“Thỏa thuận này cho thấy tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt còn rất lớn, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi giá trị sản phẩm cuối cùng tới tay khách hàng”, ông Doanh nói thêm về thỏa thuận giữa Vietnam Airlines và Vinamilk.
Với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, lợi ích của thương vụ này không thể tính toán chỉ dựa vào những con số. Cung cấp dịch vụ ăn uống trên mỗi chuyến bay chỉ là một cấu phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, tuy nhiên, để nâng tầm hoạt động lên ngang hàng với những hãng bay lớn, làm tốt cả phần việc này cũng không hề đơn giản.
Năm 2017, Vietnam Airlines đã vận hành hơn 140.000 chuyến bay, với 22 triệu lượt khách. Năm 2018, hãng bay này lên kế hoạch vận chuyển 24,3 triệu khách, tăng 11% so với năm trước với lượng khách luân chuyển ước tính gần 40 triệu lượt. Nếu chỉ nhìn vào những con số này, khó có thể tưởng tượng được áp lực đè nặng lên hãng bay được xếp hạng 4 sao trong 3 năm liền từ Skytrax, một trong những yêu cầu đó là sự khắt khe về chất lượng dịch vụ.
Báo cáo thường niên 2017 của Vietnam Airlines xếp việc hoàn thiện dịch vụ là tiêu chí đứng thứ hai trong mục tiêu khác biệt hóa thương hiệu. Ngay từ những trang đầu của bản báo cáo, người đọc cũng dễ dàng nhận ra những “đặc sản” mang màu sắc Việt Nam xuất hiện, từ bát phở nghi ngút khói, những loại quả mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới, cho tới suất cơm trên tay đại sứ ẩm thực Luke Nguyễn.
“Đưa đặc sản vùng miền, món ăn truyền thống vào thực đơn cho khách trong nước và quốc tế trên các chuyến bay là minh chứng rõ ràng cho mong muốn quảng bá ‘chất’ Việt Nam vươn ra thế giới của hãng Hàng không Quốc gia. Hợp tác với Vinamilk sẽ thúc đẩy nỗ lực ấy của Vietnam Airlines lên một tầm cao mới. Giá trị Việt, chất lượng Việt sẽ có cơ hội được vươn xa hơn nữa”, ông Doanh đánh giá.
Với thỏa thuận mới ký kết, những sản phẩm của Vinamilk vốn đã được sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines trong hơn 20 năm qua, nay sẽ tiếp tục được đưa lên một bước tiến mới với việc đồng bộ hóa thương hiệu trên bao bì gắn kết giữa hai doanh nghiệp.
Đây cũng là yêu cầu cần thiết, bởi lẽ Vietnam Airlines đã là hãng hàng không 4 sao do Skytrax công nhận. Để tiến đến mục tiêu 5 sao, các sản phẩm được sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines cũng phải được nâng tầm quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng.
Bản thân hãng bay này mới đây cũng đã có hàng loạt bước đi để hoàn thiện khâu dịch vụ. Vietnam Airlines đã lựa chọn bếp trưởng người Australia gốc Việt Luke Nguyễn trở thành Đại sứ ẩm thực toàn cầu từ 2018 - 2020. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đưa các yếu tố văn hóa vào ẩm thực hàng không, từ hương vị phở truyền thống tới những món ăn đặc trưng theo mùa.
“Hành trình cung ứng sản phẩm của Vinamilk lên các chuyến bay sẽ nhanh chóng giúp Vietnam Airlines tạo thành một chuỗi khép kín, đảm bảo tốt nhất từ chất lượng tới phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của các khách hàng, xứng tầm đẳng cấp hãng hàng không tiêu chuẩn 4 sao quốc tế”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kết luận.
Toan tính của “đại gia” ngành sữa
Còn với Vinamilk, lợi ích của thương vụ này không chỉ dừng ở việc nâng tầm vị thế. Trong một lĩnh vực mang tính đặc thù như hàng không - lĩnh vực hoạt động giúp hàng triệu lượt khách mỗi năm di chuyển, việc chọn lựa nhà cung cấp thực phẩm vốn không dễ dàng. Vinamilk, thực tế, không phải cái tên xa lạ với hãng bay này khi thỏa thuận hợp tác giữa đơn vị này và Vietnam Airlines đã có từ năm 1996. Và tất nhiên, lựa chọn này không chỉ xuất phát từ danh tiếng.
Doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất sữa của Việt Nam với 58% thị phần nội địa, được Forbes Việt Nam định giá 2,28 tỷ USD về thương hiệu. Còn ở khía cạnh người tiêu dùng, bản báo cáo Brand Footprint của Kantar World Panel chấm Vinamilk với chỉ số Điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP) cao vượt trội so với các thương hiệu khác.
Nhưng với thương vụ hợp tác chiến lược, toan tính của “đại gia” ngành sữa không chỉ dừng ở việc tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, mà điều này còn đem lại lợi ích lớn hơn – bàn đạp đưa Vinamilk gần hơn với thị trường thế giới.
Doanh nghiệp đứng đầu ngành sản xuất sữa của Việt Nam, thời gian gần đây không giấu tham vọng mở rộng ra các thị trường bên ngoài. Công ty đặt nhà máy sản xuất tại Mỹ, New Zealand, Ba Lan, Campuchia để mở rộng mạng lưới sản xuất. Bên cạnh đó Vinamilk cũng thực hiện những thương vụ M&A để nâng tầm ảnh hưởng thương hiệu.
Tuy nhiên, bài toán mở rộng của Vinamilk cũng không hẳn suôn sẻ. Tại phiên họp thường niên mới đây, lãnh đạo công ty cho biết xuất khẩu của Vinamilk đã sụt giảm trong năm 2017 và vẫn đang tiếp tục giảm trong quý đầu tiên năm 2018. Những khó khăn tại thị trường Trung Đông, một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống của Vinamilk, do bất ổn chính trị đã khiến tham vọng của người khổng lồ bị chậm lại.
Trở thành đối tác với Vietnam Airlines, ngoài việc khẳng định vị thế thương hiệu, thỏa thuận này còn mở ra cơ hội để Vinamilk tiếp cận với hàng triệu lượt khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam.
Cung cấp các sản phẩm trên những chuyến bay, đồng nghĩa với cái tên Vinamilk sẽ xuất hiện trong trí nhớ của hàng triệu khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp công ty này tiến công hiệu quả hơn ra thị trường thế giới, phần nào cũng thu hẹp những khó khăn hiện tại.