Phản đối quy định mới về dư lượng Metalaxyl trên hạt tiêu
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thư phản đối lần thứ hai lên Uỷ ban Châu Âu (EC) về vấn đề dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoạt chất Metalaxyl - một chất diệt nấm bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng trong đó có cây hồ tiêu.
Ngày 12/12/2016 vừa qua, EC lần thứ hai kiến nghị WTO cho áp dụng mức quy định mới MRLs với Metalaxyl là 0,05ppm. Trước tình hình đó, ngày 8/2/2017, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp gửi thư kiến nghị lần hai lên EC, đề nghị không áp dụng mức quy định này.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, dư lượng tối đa đối với Metalaxyl cho phép tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu vào Châu Âu từ nhiều năm nay vẫn là 0,1ppm, căn cứ trên các kết quả nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA). Ngày 2/4/2015, EFSA vẫn tiếp tục công bố là mức MRLs 0,1 ppm của Metalaxyl không có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đề xuất mới lại tăng mức MRLs của Metalaxyl từ 0,1 ppm lên 0,05ppm đối với hạt tiêu là mặt hàng gia vị, sử dụng như một thực phẩm thêm, với lượng dùng rất ít trong các bữa ăn. Trong khi mức MRLs của Metalaxyl áp dụng trên các loại nông sản khác như quả táo hay quả lê lại vẫn giữ là 1ppm; với quả nho lại còn tới 2 ppm.
Như vậy, việc đề xuất áp dụng quy định mới nâng MRLs lên 0,05 ppm của Metalaxyl trên hạt tiêu không phải là để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, do đó là hoàn toàn phi lý, SPS Việt Nam lập luận.
Theo VPA, vấn đề dư lượng Metalaxyl đã được EC đề cập lần đầu vào tháng 4/2016. Lúc đó EC đệ trình lên WTO, trong đó có Việt Nam là thành viên, đề nghị WTO thay đổi mức MRLs cho phép đối với Metalaxyl tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu vào Châu Âu lên 0,01 ppm.
Tháng 9/2016, Văn phòng SPS Việt Nam đã thống nhất trình Thư kiến nghị gửi EC đề nghị giữ nguyên mức MRLs đối với Metalaxyl là 0,1ppm. Ngay sau đó EC đã có thư phản hồi dừng xem xét việc này, giữ nguyên mức 0,1ppm. Quyết định đó đã giúp hạt tiêu Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường Châu Âu.
SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhật Duy