Thứ Hai | 05/08/2013 18:40

Ông Nguyễn Bảo Hoàng: McDonald's thấy tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam

Việc McDonald's quyết định vào Việt Nam cho thấy đây là thị trường đầy hấp dẫn.
Reuters vừa có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Bảo Hoàng - người sáng lập Good Day Hospitality và là Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư IDG sau khi công ty của ông được McDonald’s nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

Trả lời về kế hoạch mở chuỗi cửa hàng McDonal’s đầu tiên ở Việt Nam, ông Hoàng cho biết, cửa hàng đầu tiên sẽ được mở tại TPHCM vào đầu năm 2014, sau đó tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc mở rộng hoạt động sẽ diễn ra từ từ từng bước, ông Hoàng nhấn mạnh. Kế hoạch này khá bất ngờ khi mà các đối thủ của McDonald’s đã có chỗ đứng vững ở thị trường Việt Nam.

Ông Hoàng nói: “Việc McDonald's quyết định vào Việt Nam cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn với nhiều người”.

Trong 2 quý đầu năm nay, Việt Nam tăng trưởng GDP lần lượt 4,9% và 5%. Doanh số bán lẻ quý I tăng 11,8%, tăng chậm nhất kể từ năm 2012, trong khi tăng trưởng của cả năm 2012 chỉ đạt 15,7%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng 2 năm trước đó.

Ở các thị trường phát triển, McDonald's có xu hướng kinh doanh tốt khi nền kinh tế suy giảm bởi khi đó người tiêu dùng thường tìm đến các thực phẩm giá rẻ hơn. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, đồ ăn nhanh phương Tây vẫn còn xa xỉ đối với đa số người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, mỗi suất gà rán KFC tương đương 1 bát phở khoảng 32.000 đồng, một bữa KFC gấp hơn 2 lần so với con số đó. Burger King có giá khoảng 85.000 đồng.

McDonald's chưa mở cửa tại Việt Nam nên hiện vẫn chưa có các thông tin giá cả, nhưng ông Hoàng cho biết ông không muốn McDonald's thành thương hiệu xa xỉ ở Việt Nam.

"McDonald's không dựa vào điều kiện hiện này, họ nhìn vào tiềm năng dài hạn của thị trường. Việt Nam có một thị trường lớn, chủ yếu nhờ cơ cấu dân số”, ông Hoàng cho biết. 2/3 dân số của Việt Nam dưới độ tuổi 30, dân số thành thị có xu hướng tăng, 34% dân số sử dụng internet (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%).

Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 1.400 USD/năm, bằng 1/4 của Thái Lan và 1/7 của Malaysia, theo số liệu của World Bank. Tuy nhiên, Việt Nam có tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm thương hiệu đắt đỏ như dòng xe Vespa, Gucci và Louis Vuitton. Starbucks cũng nhận thấy cơ hội lớn ở Việt Nam và mới đây đã mở cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam.

Hãng sản xuất xe hơi hạng sang Rolls Royce cũng lên kế hoạch mở showroom đầu tiên tại Việt Nam vào năm tới, hướng đến giới doanh nhân giàu có.

Tuy nhiên, nhiều hãng lớn vẫn còn dè dặt chưa vào Việt Nam do lo ngại thiếu thốn cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng hạn chế, thuế nhập khẩu vẫn cao cũng như các vấn đề liên quan đến cơ chế quan liêu. Theo xếp hạng năm ngoái của World Bank, Việt Nam chỉ đứng thứ 99 trong số 185 quốc gia về mức độ thuận lợi kinh doanh.

Nguồn Reuters/Dân Việt


Sự kiện