“Nước cờ” mới của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình
Sau khi ông Bình nhận giải thưởng Nikkei Asia 2013 cho những đóng góp vì sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông về định hướng “smart services” của FPT, tham vọng trong tương lai cũng như “nước đi” cho ván cờ chiến lược về công nghệ.
“Mình không nên chế tạo lại bánh xe”
Ông có thể kể cụ thể hơn về chú robot Smartoshin này?
Các ứng dụng phần mềm trên nền hệ thống robot Smartoshin đã được chúng tôi làm thủ tục đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đang chờ xét duyệt. Smartoshin có thể là một trong những biểu tượng cho định hướng công nghệ của tập đoàn FPT trong tương lai.
Hiện tại, chú robot này chính là nền hệ thống để chúng tôi có thể nghiên cứu và phát triển các ứng dụng, giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng các hướng kinh doanh cốt lõi của FPT. Đơn cử như công nghệ nhận dạng qua camera trên Smartoshin, chúng tôi đang nghiên cứu để áp dụng nó vào hệ thống giao thông thông minh, giúp tính toán lưu lượng phương tiện tham gia hay nhận diện chính xác biển số xe…
Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo trên Smartoshin cũng được triển khai trên hệ thống quảng cáo của báo điện tử, thông qua việc phân tích hành vi người dùng khi đọc báo để hiển thị những quảng cáo trực tuyến phù hợp với từng cá nhân. Qua đó giúp tối ưu hóa hiệu quả các chương trình quảng cáo của doanh nghiệp.
Liệu có thể hiểu, Smartoshin là dạng sản phẩm để ông "truyền cảm hứng" cho cổ đông trong bối cảnh kinh tế khó khăn?
Tôi muốn giới thiệu trực quan những công nghệ FPT sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới. Các dịch vụ này có thể xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, ví dụ như giao thông thông minh, bệnh viện điện tử, chính phủ điện tử, sách giáo khoa điện tử…
Đây đang là xu hướng dịch chuyển của toàn cầu chứ không riêng gì FPT.
Robot Smartoshin đã được áp dụng tại đâu chưa, thưa ông?
Theo chúng tôi biết thì chưa. Đây là robot thông minh sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Công nghệ này có thể hiểu một cách nôm na, nếu như trước đây, toàn bộ dữ liệu của bạn phải lưu trữ trực tiếp trên máy tính cá nhân, hay điện thoại với dung lượng giới hạn, thì giờ có thể lưu trữ không giới hạn tại khu vực “đám mây”. Tương tự, robot Smartoshin cần kết nối với “đám mây”, bởi chỉ có như vậy nó mới lưu trữ và xử lý được các câu lệnh phức tạp, hay lưu trữ nguồn dữ liệu khổng lồ.
Ví dụ như để nhận dạng khuôn mặt, robot không chỉ cần lưu trữ 2-3 tấm hình, mà con số này có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Nếu chúng ta cần một con robot có thể nhận dạng được hàng triệu người khác nhau thì chỉ có thể thực hiện trên “đám mây”, chứ bộ nhớ của robot thường không thể làm được.
Tỷ lệ sáng tạo của FPT đối với Smartoshin là bao nhiêu phần trăm, hay các ông... nhập khẩu toàn bộ?
Mình không nên chế tạo lại bánh xe. Ví dụ, một con robot vận động người ta làm mãi rồi. Mình sẽ đặt lên trên con robot thông thường một bộ não, và đó là kết cấu khung để kết nối với điện toán đám mây. Vì thế, từ một con robot bình thường trở thành một con robot thông thái và đa chức năng. Đó là smart robot, xu hướng mà FPT đang và sẽ làm.
Tất nhiên FPT vẫn sẽ tập trung vào thế mạnh về phần mềm.
Nhưng để bổ sung tính năng thông minh vào con robot đang vận động, nhất là với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới thì đâu có khó?
Sắp tới tôi nghĩ họ sẽ làm. FPT dự kiến sẽ làm một nền hệ thống đủ mạnh trên robot và mọi người đều có thể tham gia lập trình các ứng dụng.
Vậy FPT dự kiến khi nào thì thương mại hóa sản phẩm này?
Tháng 9 này chúng tôi sẽ lập xong nền hệ thống cơ bản cho Smartoshin và sẽ mời các bạn sinh viên tham gia lập trình trên robot, chứ không riêng gì kỹ sư FPT. Cá nhân viết được ứng dụng tốt và được sử dụng sẽ hưởng quyền lợi bản quyền tác giả.
Trong tương lai, khi hội tụ đủ các điều kiện thuân lợi: hệ thống phần mềm ứng dụng đủ mạnh và công nghệ sản xuất phần cứng tương xứng, việc FPT thương mại hóa sản phẩm Smartoshin là khả thi. Tôi kỳ vọng, khi đó, Smartoshin có thể trở thành người giúp việc thông minh trong các gia đình, hỗ trợ bác sỹ tư vấn tại các bệnh viện, hay là giáo viên tốt hướng dẫn việc học cho các em học sinh…
Tìm một chiến lược “cá tính”
Có vẻ FPT đang rất hào hứng với chiến lược mới - chiến lược như ông nói là "smart services". Vậy, nhìn về những chiến lược cũ thì đâu là những bài học, kinh nghiệm đối với FPT?
FPT rất quan tâm đến vấn đề chiến lược. Chiến lược như chúng tôi đã xác định là OneFPT. OneFPT biến nỗ lực của mỗi một thành viên thành một sức mạnh chung để đưa FPT lên vị trí là công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ thông minh.
Đến năm 2014, FPT phải có một vị thế trong hạ tầng kinh tế xã hội của Việt Nam. Chiến lược của FPT dựa trên Nghị quyết 13 của Trung ương và Chỉ thị 16 của Chính phủ mới đây, là công nghệ thông tin phải đóng vai trò mới là hạ tầng của hạ tầng, là hạ tầng của các doanh nghiệp. Chính phủ điện tử sẽ thay thế công văn giấy tờ hồ sơ và cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người dân.
FPT trong 10 năm ra thị trường thế giới đã khai thác được yếu tố rất quan trọng, đó là có nguồn nhân lực trẻ đông đảo, ham học, trong khi chi phí lại thấp hơn hẳn so với các thị trường trên thế giới. Nhưng đấy là thế mạnh trong quá khứ. Còn FPT bây giờ đã có những khác biệt mang cá tính của mình, nhằm tạo ra sự tăng trưởng lớn hơn cho mảng thị trường trong nước và quốc tế.
Khác biệt giữa chiến mới với chiến lược cũ như thế nào?
Điểm khác biệt là trình độ công nghệ đã lên một bước.
Khi mình lên dải trình độ công nghệ mới thì ít nhất khách hàng, đối tác nhìn FPT rất khác, tin tưởng hơn nhiều. Đề xuất của họ cũng khác. Trước kia họ bảo FPT: hãy làm cái này cái kia cho tôi. Bây giờ họ hỏi: bạn có thể làm gì cho tôi. Đó là sự khác biệt rất quan trọng.
Chiến lược thành công hay không thành công nằm ở sự tăng trưởng bền vững hay không. Những hướng công nghệ chủ chốt FPT đặt ra vẫn tăng trưởng và tiếp tục mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng nữa.
FPT cũng như tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khác, thời gian qua cũng bị tác động bởi khủng hoảng. Ở đây không phải là vấn đề chiến lược mà là tác động khách quan của nền kinh tế lên một công ty tin học. Không chỉ FPT mà rất nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn, hy vọng khi kinh tế hồi phục thì tất cả những hướng FPT đang phát triển sẽ lấy lại tốc độ tốt.
Có những lĩnh vực mà FPT thất bại đấy chứ, ví dụ như bất động sản hay ngân hàng…
Chưa bao giờ FPT coi đây là chiến lược.
Trong lúc thị trường bất động sản sôi động và có sức hấp dẫn lớn thì FPT đã tự hỏi: tại sao người ta làm, mình không? FPT cũng có thử và đã thất bại. Đây là bài học rất lớn cho FPT, nhưng sau đó FPT đã rút ngay khỏi lĩnh vực không cốt lõi. Tuy nhiên, đó không gọi là chiến lược, mà là hành vi.
Vậy còn các lĩnh vực phần cứng như máy tính bảng, điện thoại thì sao?
Tôi nghĩ nếu lĩnh vực phần mềm chiếm đa số thì FPT vẫn phải biết ít nhiều phần cứng, không thể tách rời được. FPT vẫn tiếp tục tham gia phần cứng. Việc hiểu biết phần cứng cũng giúp ích cho làm phần mềm.
Không ai có thể nói trước được ngày nào đó chúng tôi sẽ cho ra được một sản phẩm kết hợp phần mềm với phần cứng, mà Smartoshin bắt đầu là một gợi ý.
Không thể nói phần cứng quan trọng hơn hay phần mềm quan trọng hơn. Tất nhiên phần mềm sẽ là cơ bản nhất của FPT, nhưng có một năng lực nhất định về phần cứng để khi có cơ hội FPT sẽ khai thác.
Trước đây FPT cũng có cơ hội tham gia vào lĩnh vực viễn thông di động và trở thành những doanh nghiệp hàng đầu, ông có tiếc không tham gia vào sớm hơn để trở thành như một trong ba đại gia trong ngành thông tin di động như bây giờ?
Tôi vô cùng tiếc nuối. Tiếc không thể tưởng được. Tiếc vì khi đó, trong đầu mình luôn có định kiến rằng “cái này không ai cho mình làm”, “không được làm”, thậm chí không dám đi xin để được làm.
Vào thời điểm này, FPT còn tham vọng hay mong muốn tham gia lĩnh vực viễn thông di động không?
FPT vẫn tiếp tục chờ đợi.
Ngoài sản phẩm mà ông kỳ vọng là Smartoshin, FPT còn định hình vào những sản phẩm, dịch vụ quan trọng nào khác?
Smartoshin không đơn thuần là sản phẩm mà thể hiện định hướng công nghệ xuyên suốt tất cả các sản phẩm, dịch vụ của FPT. Nói cách khác, nó là “logo” công nghệ của FPT.
Còn sản phẩm, dịch vụ ưu tiên trong nước hiện nay của FPT là phát triển chính phủ điện tử, ERP cho doanh nghiệp, thẻ công dân điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh và giáo dục thông minh. Ở các nước phát triển, FPT tập trung ưu tiên vào dịch vụ chuyển dịch hệ thống doanh nghiệp sang di động và điện toán đám mây.
Đồng thời, chúng tôi sẽ mở toàn diện các hoạt động của FPT trong khu vực, đặc biệt tại Myanmar.
Ngày xưa phát động chiến dịch phần mềm, toàn cầu hóa, có lúc thành công, có lúc thất bại, nhưng cũng đã tạo ra một làn sóng trên thị trường. Còn với robot smart liệu FPT có kỳ vọng làm được điều đó?
Sự cố năm 2000 đã làm nên cường quốc công nghệ thông tin Ấn Độ. Xuất khẩu phần mềm đã xác lập tên tuổi Việt Nam trên bản đồ số thế giới. Nay, làn sóng điện toán đám mây mạnh hơn nhiều nhiều lần, kéo dài vài thập kỷ sẽ đưa hy vọng nào cho Việt Nam?
Tôi tin tưởng tuyệt đối vào làn sóng mới này.
Nguồn Vneconomy