Nữ tướng Mai Kiều Liên và hành trình đưa Vinamilk vươn tầm thế giới
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk là một trong số ít hiếm hoi nhà lãnh đạo doanh nghiệp cân bằng được những bài toán khó trong quản trị doanh nghiệp, đó là các nhóm cổ đông, nông dân, Nhà nước và người tiêu dùng, giúp Vinamilk gầy dựng nên đế chế tỉ USD.
Những quyết định chiến lược
Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, mới đây lại có một cuộc đối thoại với “nữ tướng” Mai Kiều Liên. Một người gắn liền với thị trường chứng khoán Việt Nam từ buổi ban sơ, một người dựng lên cơ nghiệp của người khổng lồ trong ngành sữa. “Hãy nói về con số ấn tượng của Vinamilk”, ông Dominic hỏi. Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc của Vinamilk không trả lời trực tiếp, mà hỏi ngược lại: “Là nhà đầu tư của Vinamilk ngay từ buổi đầu, đâu là con số mà ông ấn tượng?”.
Năm 2003, trong làn sóng nhiều doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp quyết tâm “mở khóa, cởi tư duy”, Vinamilk cũng quyết định chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng để tiếp nhận vốn cùng những tư duy quản trị mới mẻ. Dragon Capital là công ty quản lý quỹ hiếm hoi nhảy vào khi đó. Khi đó, giá trị Công ty chỉ khoảng 100 triệu USD, còn bây giờ đâu là 10 tỉ USD, ông Domicnic nhớ lại. Quyết định quan trọng của bà Mai Kiều Liên khi đó không chỉ thay đổi cấu trúc hoạt động của một doanh nghiệp nhà nước thời mở cửa thị trường, mà còn là cơ sở mang lại lợi ích lớn cho cổ đông của Vinamilk.
Vinamilk ngày nay đã trở thành cổ phiếu “ngôi sao”, luôn nằm tốp trên trong mọi bảng xếp hạng, từ giá trị vốn hóa, quy mô lợi nhuận, thu nhập cho người lao động cho đến các dáng dấp của một tập đoàn lớn như nộp thuế, hay mang lại dòng tiền đáng kể cho ngân sách nhà nước, với những khoản cổ tức đều đặn 20-30%, mà ở đây SCIC là đại diện.
Huy động được vốn cùng hoạt động kinh doanh có lời càng giúp cho Vinamilk có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất. Công ty sữa này tăng năng lực sản xuất bằng cách mở rộng vùng nguyên liệu, mua lại các nhà máy sữa, nông trường trên khắp Việt Nam. Nhưng một trong số quyết định “đắt giá” nhất chính là tư duy đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm, ngay từ đầu thập niên 90.
Bà Mai Kiều Liên trong cuộc đối thoại với ông Dominic Scriven. |
“Chúng ta có hệ thống chăn nuôi bò sữa, đó là quan trọng nhất. Điều này sẽ giúp chúng ta tự chủ nguyên liệu thì tự chủ mọi thứ, tự chủ về giá thành”, bà Liên khẳng định. Nói không quá thì nếu không có vùng nguyên liệu, có lẽ sẽ không có Vinamilk ngày nay.
Hệ thống này không chỉ giúp Vinamilk giảm được giá thành, nhưng đồng thời điều quan trọng không kém là các nông hộ hợp tác “được” giá sữa nguyên liệu. Nhưng cũng có thời điểm, Vinamilk với mong ước trở thành tập đoàn dinh dưỡng, như mô hình mà nhiều tập đoàn châu Âu và Mỹ, đã đầu tư dàn trải thành nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, công ty sữa này nhanh chóng sớm tập trung trở lại vào câu chuyện của ngành sữa. “Thị trường lúc đó chưa làm tới”, bà Liên nhớ lại, vì vậy, bà ngừng đầu tư vào các lĩnh vực như bia hay cà phê trong giai đoạn năm 2005-2010.
Kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn đã khó, nhưng tầm nhìn đầu tư, nghiêm túc để xây dựng nền tảng cho một ngành công nghiệp của một quốc gia lại càng khó hơn. Phát triển đàn bò, tăng hợp tác với nông dân, mở rộng kênh phân phối và liên tục ra mắt sản phẩm mới, Vinamilk đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước không có chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, chỉ nhập khẩu sữa trở thành một quốc gia có ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa không thua kém các nước trong khu vực. “Sản phẩm sữa của Vinamilk ngày nay đã có mặt trên 40 nước trên thế giới. Đó là điều ước mơ rất lâu chúng ta mới làm được”, bà Liên nói.
Chìa khóa cân bằng
Có thể nói, được đào tạo bài bản ở Nga về chuyên ngành sữa là lợi thế của bà Mai Kiều Liên khi về với Vinamilk từ thời điểm sơ khai. Bắt đầu giữ chức vụ Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992, bà đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng cứ đều đặn hằng năm. Nếu nhìn lại quá trình phát triển của doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa này, có thể nhận thấy những thách thức mà Vinamilk, cũng giống như nhiều tập đoàn khác đi lên từ mô hình doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt.
Đó là những thách thức về việc vừa xây dựng giá trị tài sản cho cổ đông, cân bằng lợi ích giữa cổ đông nội - ngoại trong một tập đoàn ngày càng phát triển và vừa cung cấp những sản phẩm làm từ sữa với mức giá phù hợp cho người tiêu dùng, cũng như bài toán liên kết với nông dân để thu mua sữa tươi nguyên liệu.
Cũng có nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, giữa những bài toán khó của việc quản trị doanh nghiệp này, đâu là bài toán khó nhất? Trên thực tế, tư duy của nhà điều hành doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đó là không có “khó khăn nhất”, bất kỳ thời điểm nào doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định.
Ngày nay, Vinamilk sở hữu 2 “siêu nhà máy” sữa ở Bình Dương hoạt động trên nền tảng tích hợp, hoàn toàn tự động hóa, không hề chậm chân trong những cuộc chạy đua về ứng dụng công nghệ vào sản xuất trên thế giới. Công ty sữa lớn nhất Việt Nam này cũng đã bắt đầu bài toán xuất khẩu sang các quốc gia khác trên thế giới từ nhiều năm trước. “Sản phẩm sữa của Vinamilk đã có mặt ở hơn 40 nước, tự chủ về giá thành nhờ cách thức giải quyết sáng tạo, chịu khó đổi mới và chấp nhận cạnh tranh bình đẳng”, bà Liên lý giải.
“Sáng tạo trong cách thức làm việc, sáng tạo trong lĩnh vực phát triển sản phẩm để đem lại hiệu quả tốt nhất. Còn cạnh tranh, có cạnh tranh thì mới có sự phát triển”, bà Liên nói.
Lúc nào cũng tập trung cho công việc với mong muốn đưa ngành sữa Việt Nam và Vinamilk mở rộng ra thế giới, thế nhưng người phụ nữ giúp tạo ra đế chế sữa tỉ USD cho người Việt này lại rất giản dị, theo nhận xét của nhiều nhân viên dưới quyền và đối tác. “Tôi cố gắng giải quyết tất cả các công việc tại Công ty để không ảnh hưởng đến việc gia đình. Khi về nhà thì tôi cũng như tất cả những người phụ nữ khác, tôi và các thành viên trong gia đình phân chia và phối hợp làm các công việc nhà thường ngày, thời gian còn lại dành cho nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và dành thời gian tập thể dục để giữ sức khỏe”, bà Liên chia sẻ trong lần hiếm hoi được hỏi về cuộc sống cá nhân