Những thương hiệu vang bóng của Hà Nội lên sàn chứng khoán
Cơ quan quản lý đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để cải cách khu vực quốc doanh. Từ đầu năm, số lượng doanh nghiệp tham gia chào bán cổ phân cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trên hai sàn chứng khoán không ngừng tăng. Riêng sàn Hà Nội, 5 tháng đầu năm đã ghi nhận 26 phiên IPO, với hành chục triệu cổ phần được bán ra, trong đó có những doanh nghiệp gắn với những thương hiệu đã có tên tuổi hàng chục năm. Theo quy định, sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký giao dịch trên sàn Upcom trong 90 ngày.
1. Giày Thượng Đình
Thành lập năm 1957, Công ty Giầy Thương Định ban đầu được giao nhiệm vụ sản xuất mũ cứng và giày vải cung cấp cho quân đội. Sau gần 60 năm, những đôi giày bata, giày thể thao Thượng Đình... đã trở thành thương hiệu gắn bó với nhiều người (chiếm 20% thị phần), thậm chí còn được xuất khẩu sang EU, Australia, châu Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc.
Đầu tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp này đã phát hành 1,9 triệu cổ phần ra công chúng và trở thành một trong những phiên IPO thu hút nhà đầu tư nhất từ đầu năm. Tổng lượng đăng ký mua đạt 22,1 triệu cổ phiếu, gấp 11,5 lần lượng đấu giá. Giá đấu thành công bình quân đạt 48.177 đồng một đơn vị, gấp gần 5 lần giá khởi điểm (10.000 đồng). Sau IPO, cổ đông Nhà nước chỉ còn nắm 36% vốn.
Theo báo cáo kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Giày Thượng Đình năm 2011 chỉ đạt hơn 1,6 tỷ đồng, năm 2012 lỗ, năm 2013 lãi nhẹ hơn 930 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2014 lãi hơn 950 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty đang được sử dụng hơn 3,6ha đất trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) làm cơ sở sản xuất, xung quanh khu vực này cũng có nhiều dự án bất động sản được triển khai.
Cùng với đó, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội mở rộng khi các Hiệp định thương mại đã và sắp hoàn tất như với Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Nga), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) hay Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
2. Điện cơ Thống Nhất
Công ty Điện cơ Thống Nhất được thành lập năm 1965, là một trong những đơn vị sản xuất quạt điện lớn nhất Việt Nam, gắn với biểu tượng hình 3 cánh quạt Vinawind. Trong ngày đấu giá cổ phần 17/3, lượng đặt mua cổ phiếu công ty lên tới 50,9 triệu đơn vị, gấp gần 9 lần lượng chào bán (5,7 triệu cổ phần). Lượng cung không đáp ứng đủ cầu đã đẩy mức giá đấu thành công bình quân lên 42.383 đồng, gấp hơn 4 lần mức giá khởi điểm.
Về kết quả kinh doanh, trong các năm qua, lợi nhuận của công ty có sự chuyển biến tốt, lãi sau thuế từ mức 6,5 tỷ đồng năm 2011 lên gần 29 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014. Thị phần trong nước của công ty đạt khoảng 20%, chủ yếu ở miền Bắc và Trung Bộ. Cùng với đó, công ty đang sử dụng khu đất thuê với diện tích gần 3ha tại phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội làm trụ sở điều hành và nhà xưởng. Đây được đánh giá là một trong những khu có nhiều dự án phát triển nhà ở thuộc phía Nam Hà Nội.
Sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, Điện cơ Thống Nhất nhắm tới mục tiêu tham gia thị trường quốc tế, trước mắt là khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu tỷ lệ trả cổ tức trong 3 năm (2015-2017) lần lượt là 7%, 8% và 8,5%. Cổ đông Nhà nước sẽ nắm 45% vốn điều lệ công ty sau IPO, 40% thuộc về nhà đầu tư bên ngoài.
3. Dệt Minh Khai
Dệt Minh Khai được thành lập trong giai đoạn 1960 - 1979 tại số 423 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chuyên sản xuất các loại khăn mặt, khăn bông, khăn tắm và khăn tay phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong phiên đấu giá ngày 23/1, toàn bộ hơn 1,6 triệu cổ phần đã được bán hết. Tổng khối lượng đặt mua đạt 26,8 triệu đơn vị, gấp 16 lần số lượng chào bán. Giá đấu thành công bình quân lên gần 72.000 đồng, gấp 96 lần giá khởi điểm (10.100 đồng). Sau IPO, vốn Nhà nước tại Dệt Minh Khai chỉ còn chiếm 35%, trong khi số cổ phần bán ra bên ngoài là 51,5%, bán ưu đãi cho người lao động 13,5%.
Việc cổ phần Dệt Minh Khai được trả giá cao khá bất ngờ, bởi trong giai đoạn 2009 - 2011, công ty liên tục làm ăn thua lỗ và không trả được 14 tỷ đồng tiền thuê đất. Song, công ty lại có một "mỏ vàng" khác khi đang quản lý và sử dụng khoảng 3,8ha tại số 423 đường Minh Khai làm nhà xưởng.
Trong giai đoạn 2015 - 2017, công ty đặt muc tiêu sẽ có lãi trở lại và tỷ lệ cổ tức lần lượt 5,5%, 7,5% và 8,5%.
4. Nội thất Xuân Hòa
Công ty Nội thất Xuân Hòa thành lập năm 1980, với sản phẩm bàn ăn, bàn làm việc, bàn học quen thuộc với người dân cả nước nói chung và thủ đô nói riêng. Ngoài ra, công ty còn sản xuất thêm linh kiện ôtô, linh kiện xe máy. Ngày 26/6 tới, hơn 5,4 triệu cổ phần công ty sẽ được bán ra công chúng, tương đương 27% vốn điều lệ với mức gái khởi điểm 10.300 đồng. Sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ chỉ còn nắm giữ 40% cổ phần công ty, nhà đầu tư chiến lược được mua 27%.
Năm 2014, Nội thất Xuân Hòa đạt hơn 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 59% so với năm trước. Sau khi cổ phần hóa, công ty đặt muc tiêu lợi nhuận đạt 38,5 tỷ đồng vào năm 2017, mức cổ tức là 4,5%. Đăc biệt, công ty đang sử dụng nhiều khu bất động sản trên thành phố, trong đó có hơn 2,4 ha tại số 27 đường Đông Lạnh, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm đã được ký hợp đồng hợp tác kinh doanh từ năm 2011 để triển khai dự án đầu tư tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán. Do đó, phiên đấu giá cổ phần công ty trong tuần cuối tháng 6 này tiếp tục hứa hẹn là phiên hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Nguồn VnExpress