Thứ Hai | 17/12/2012 16:35

Những thương hiệu quốc tế rút khỏi Việt Nam sau năm 2012

Trong năm 2012, nhiều tập đoàn quốc tế cho biết tham vọng tham gia vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng có không ít thương hiệu ra đi.
Một số tập đoàn quốc tế như Starbucks, Mc Donalds,... đánh tiếng về việc tham gia thị trường Việt Nam, AIG cũng chính thức quay lại sau khi đổi tên Chartis Việt Nam sang AIG Việt Nam. Ngược lại, nhiều thương hiệu rút khỏi thị trường; nguyên nhân thường là do tái cấu trúc tập đoàn, cắt giảm các mảng hoạt động kém hiệu quả. Nhưng với một số thương vụ thì không chỉ đơn thuần như vậy.

Beeline thua lỗ và gặp khó khăn trong phát triển thuê bao tại Việt Nam

Kể từ tháng 10/2012, thương hiệu Beeline sẽ không còn được sử dụng tại Việt Nam, thay vào đó là Gtel Mobile.

Beeline từng rất thu hút người sử dụng di động khi tung ra gói cước tỷ phú

Tháng 7/2009, VimpelCom - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn tại Đông Âu và Trung Á kết hợp với Tổng công ty Viễn thông di động tòa cầu (Gtel) khai trương mạng di động mang thương hiệu Beeline tại Việt Nam. Khi đó, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần, tương đương khoản đầu tư 267 triệu USD.

Tháng 4/2011, VimpelCom đã đạt được thỏa thuận với Gtel về việc đầu tư thêm 500 triệu USD đến hết năm 2013. Nhưng sau đúng một năm, VimpelCom quyết định bán toàn bộ khoản đầu tư trị giá gần 500 triệu USD với giá 45 triệu USD cho đối tác Việt Nam.

Nguyên nhân Vimpel Com rút khỏi Việt Nam được cho là do thua lỗ và gặp khó khăn trong phát triển thuê bao mới. Theo số liệu của VimpelCom, năm 2011 doanh thu bình quân trên thuê bao một tháng của Beeline tại Việt Nam chỉ đạt 0,7 USD, thấp nhất trong số các quốc gia mà VimpelCom đầu tư viễn thông di động. Tại thị trường Việt Nam và Campuchia, VimpelCom lỗ hơn 527 triệu USD trong năm 2011.

* Gói cước tỷ phú của Beeline: chỉ cần nạp tối thiểu 20.000 đồng mỗi tháng, các thuê bao sẽ có 1 tỷ đồng trong tài khoản được gọi nội mạng.

Shell Gas rời thị trường do sang chiết gas lậu

Đầu tháng 10/2012, Shell (Hà Lan) bất ngờ xác nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong công ty liên doanh kinh doanh gas ở Hải Phòng và công ty gas 100% vốn của Shell tại TPHCM cho Công ty Siam Gas (Thái Lan). Shell Gas chính thức rút ra khỏi thị trường Việt Nam sau 15 năm hiện diện. Thương hiệu Siam Gas sẽ dần thay thế Shell Gas trong 3 năm tới.

Biểu tượng ngọn lửa xanh của Shell Gas
Biểu tượng ngọn lửa xanh của Shell Gas

Nguyên nhân được Shell Gas Việt Nam đưa ra khi rút khỏi thị trường Việt Nam là "Việc chuyển nhượng này phù hợp với chiến lược kinh doanh của Shell, tái tập trung thị trường trọng điểm của ngành hạ nguồn vào ít thị trường hơn nhưng quy mô lớn hơn".

Tuy nhiên, việc rời bỏ thị trương của Shell còn được cho là do tình trạng sang chiết gas lậu không kiểm soát được ở Việt Nam. Ngoài Shell còn có Mobil Unique Gas (Mỹ) và BP Gas (Anh) cũng đã rút khỏi Việt Nam. Thị trường có đến gần 40% bình gas trôi nổi không quay về chủ sở hữu để làm công tác kiểm định chất lượng. Các công ty kinh doanh gas phải chấp nhận thực trạng không thể kiểm soát, và đồng nghĩa với việc “phải sống chung” với nạn sang chiết gas trái phép.

Conoco Phillips bán tài sản tại Việt Nam để tái cấu trúc

Ngày 16/2/2012, Hãng dầu lửa Mỹ ConocoPhillips đã nhất trí bán lại toàn bộ tài sản ở Việt Nam cho đối tác Pháp Perenco SA với giá 1,29 tỷ USD. Với thương vụ này, ConocoPhillips sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam sau 15 năm hoạt động.

Tài sản tại Việt Nam là một phần nhỏ của Conoco Phillips
Tài sản tại Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng tài sản của ConocoPhillips
ConocoPhillips cho biết, việc bán tài sản tại Việt Nam là một phần trong nỗ lực của hãng nhằm cắt giảm những mảng hoạt động kém hiệu quả và cải thiện lợi nhuận. Được biết, số tài sản tại Việt Nam có thể không mang ý nghĩa lớn đối với ConocoPhillips.

Số liệu trên website của ConocoPhillips cho thấy, năm 2011, hãng này đạt sản lượng khoảng 20.000 thùng quy dầu mỗi ngày tại Việt Nam, so với mức sản lượng trên toàn cầu của hãng là 1,62 triệu thùng quy dầu.

Avon chính thức rút khỏi thị trường từ tháng 11/2013

Tập đoàn mỹ phẩm Avon (Avon Products) cho biết sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam từ tháng 11 năm 2013.


Avon rút khỏi Việt Nam sau 8 năm hiện diện

Avon chính thức có mặt vào tháng 4/2004 tại thị trường Việt Nam – quốc gia thứ 12 tại châu Á – Thái Bình Dương mà Avon đặt chân tới.

Avon Việt Nam đã xây dựng một nhà máy tại Khu Công Nghiệp Việt Nam – Singapore, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư là 3 triệu USD Mỹ. Nhà máy có khả năng sản xuất đầy đủ các chủng loại mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm khác nhau với công suất ban đầu là 7 triệu đơn vị sản phẩm và đặt mục tiêu công suất lên 15 triệu sản phẩm/năm.

McGraw Hill chuyển giao đối tác tại Việt Nam cho Mc Graw-Hill Thái Lan

Nhà xuất bản sách giáo dục của Mỹ, McGraw-Hill đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam từ tháng 7, sau 5 năm có mặt tại Việt Nam.
Mc Graw Hill đã hoạt động tại Việt Nam được 15 năm
McGraw Hill đã hoạt động tại Việt Nam được 15 năm

Giải thích cho quyết định rút khỏi thị trường này, ông Brian Belardi, Giám đốc Quan hệ công chúng của McGraw-Hill Education toàn cầu, cho biết kế hoạch này nằm trong phương án tái cơ cấu của doanh nghiệp. Kể từ tháng 7/2012, các khách hàng và đối tác ở Việt Nam sẽ do nhóm của McGraw-Hill Bangkok, Thái Lan phụ trách, dưới sự hỗ trợ của trung tâm khu vực ở Singapore.

Nguồn Khampha


Sự kiện