Thứ Ba | 12/02/2013 20:38

Những thương hiệu chứng khoán đang lụi tàn

Với diễn biến thị trường chứng khoán liên tục đi xuống 5 năm qua, rất ít công ty chứng khoán có thể duy trì đà phát triển như giai đoạn trước.
Đã qua đi một thời nhà nhà người người đổ xô làm chứng khoán với kèn trống vang dội khắp nơi. Giờ đây, sau giai đoạn dài thoái trào của thị trường chứng khoán, nhiều thương hiệu công ty chứng khoán đang đi dần vào quên lãng, khép lại thời vàng son của ngành kinh doanh mà có lúc ai cũng nghĩ có thể nhắm mắt mà hái ra tiền.

Chứng khoán Đông Dương

CTCP Chứng khoán Đông Dương (DDS) có vốn điều lệ 135 tỷ đồng, thành lập vào tháng 9/2007 do ông Phan Trường Sơn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

DDS có lẽ là công ty chứng khoán đầu tiên rời bỏ thị trường với việc bất ngờ xin rút nghiệp vụ môi giới - linh hồn của công ty chứng khoán - vào cuối năm 2011 do thị trường khó khăn, công ty không có vốn để duy trì và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ.

Được biết, trước đó DDS đã đầu tư mạnh cho hệ thống giao dịch và nâng cấp website mới nhằm tối đa hóa dịch vụ cho nhà đầu tư, đồng thời có tham vọng đầu tư mở rộng kinh doanh sang Campuchia nhưng sự lao dốc của thị trường khiến mọi kế hoạch của DDS đều bị phá sản.

Thông tin gần nhất cho thấy, quý 3/2012, DDS lỗ hơn 700 triệu đồng; lũy kế 9 tháng năm 2012, công ty lỗ 5.9 tỷ đồng và lũy kế đến hết tháng 9/2012 là hơn 37 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu còn xấp xỉ 98 tỷ đồng.

Chứng khoán SME

Nổi đình đám trên thị trường phải cần kể đến CTCP Chứng khoán SME (SME). Công ty có vốn điều lệ 135 tỷ đồng, thành lập cuối năm 2006 do ông Phan Huy Chí làm Chủ tịch HĐQT. Cổ phiếu SME từng giao dịch trên thị trường UPCoM và HNX sau đó hủy niêm yết từ ngày 26/10/2012 sau hàng loạt biến cố xảy ra.

Hiện tại, công ty đã rút các nghiệp vụ kinh doanh và chấm dứt tư cách thành viên hai Sở GDCK. Tuy vậy, SME vẫn trong tình trạng bị kiểm soát đặc biệt đến ngày 04/04/2013 do không đạt tỷ lệ vốn khả dụng theo quy định. Nếu hết thời gian này, công ty chưa khắc phục vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Thực tế, mọi hoạt động của công ty đã đình trệ từ lâu. Các chi nhánh và website đều đã đóng cửa từ lâu, thậm chí trước khi ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT bị bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào đầu tháng 8/2012.

Chứng khoán Trường Sơn

CTCP Chứng khoán Trường Sơn (TSS), một tên tuổi khá đình đám trong năm 2012 vì những tranh chấp và kiện tụng với nhà đầu tư.

Công ty có vốn điều lệ 41 tỷ đồng, thành lập cuối năm 2008 tuy nhiên hầu hết thời gian hoạt động đều gặp thua lỗ. Hết năm 2011, lỗ lũy kế đã chiếm hơn ½ vốn điều lệ với 24.56 tỷ đồng.

Hiện tại, TSS đã rút nghiệp vụ môi giới, đóng cửa các chi nhánh, chấm dứt tư cách thành viên giao dịch của HOSE và HNX. Đồng thời website của công ty cũng không còn. TSS cũng đang bị UBCK đình chỉ hoạt động 6 tháng từ 26/10/2012 đến 26/04/2013 do những vi phạm về chỉ tiêu an toàn tài chính. Hết thời gian này, nếu vẫn chưa khắc phục được, nhiều khả năng TSS sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Chứng khoán Hà Nội

CTCP Chứng khoán Hà Nội (HSSC) không nổi danh với những vụ “xì căng đan” nhưng việc kinh doanh thua lỗ liên tục qua nhiều năm khiến công ty rơi vào tình trạng gần như phá sản.

HSSC thành lập cuối năm 2006 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng nhưng BCTC kiểm toán gần nhất (2010) đã cho thấy công ty lỗ lũy kế đến hơn 34 tỷ đồng. Công ty ngừng nghiệp vụ môi giới, chấm dứt tư cách thành viên hai Sở trong năm 2012. HSSC còn bị đình chỉ hoạt động trong 6 tháng từ 26/10/2012 đến 26/04/2013 do những vi phạm về chỉ tiêu an toàn tài chính. Và nhiều khả năng sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn vì rất khó khắc phục được tình trạng thua lỗ cũng như đáp ứng được chỉ tiêu tài chính theo quy định.

Chứng khoán Âu Việt

CTCP Chứng khoán Âu Việt (AVS), một tên tuổi khá quen thuộc với giới đầu tư, đồng thời cũng có cổ phiếu niêm yết gần đây đã có kế hoạch giải thể công ty sau hơn 5 năm “chống chọi” với thị trường. HĐQT đã quá mệt mỏi với lĩnh vực kinh doanh đầy mạo hiểm này.

Công ty được thành lập năm 2007 khi thị trường chứng khoán bùng nổ với vốn điều lệ 300 tỷ đồng và tăng lên 360 tỷ đồng một năm sau đó. Nhưng ngay năm 2008, Âu Việt thua lỗ hơn 170 tỷ đồng.

Hai năm sau đó AVS có lãi nhưng vẫn không đủ để bù đắp. Năm 2010, cổ phiếu AVS lên sàn nhưng công ty vẫn tiếp tục trượt dài, chỉ lãi 27 triệu đồng trong năm niêm yết, năm 2011 và 2012 lỗ 40.57 tỷ đồng và 10.43 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, công ty đang lỗ lũy kế hơn 151 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 215.71 tỷ đồng và nợ phải trả xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Chứng khoán Hà Thành

CTCP Chứng khoán Hà Thành từng nổi danh với vụ án Nguyên Chủ tịch HĐQT Trương Duy Sơn “ôm” hơn 144 tỷ đồng của ngân hàng bỏ trốn vào năm 2011, buộc công ty phải “thay ngựa giữa dòng” dù ông Sơn vẫn là cổ đông lớn nhất với số cổ phần sở hữu gần 27%. Tình hình kinh doanh của công ty cũng sa sút từ đó.

Với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng, thành lập cuối năm 2006, sau 6 năm hoạt động (cuối năm 2012) công ty lỗ lũy kế gần 128 tỷ đồng, chiếm hơn 85% vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu của công ty đến 31/12/2012 còn 53.8 tỷ đồng nhờ có thêm 31.75 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Đầu tháng 10/2012, công ty bất ngờ đổi tên thành Chứng khoán Tonkin, ông Vũ Hoàng Chương làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật.

Chứng khoán Cao su

Năm 2012, thương hiệu Chứng khoán Cao su (RUBSE) cũng được thay thế bằng tên mới là Chứng khoán Delta sau nhiều năm thua lỗ nghiêm trọng với phần lỗ vượt cả phần vồn. Theo đó, với số vốn ít ỏi 40 tỷ đồng nhưng đến 30/09/2012 công ty đã lỗ lũy kế hơn 42 tỷ đồng, vào cuối năm con số này tăng lên 50.29 tỷ đồng. Trước đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã bán toàn bộ 51% vốn góp cho một doanh nghiệp khác.

Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra hồi tháng 10/2012, nhóm cổ đông mới đã quyết định đổi tên công ty thành CTCP Chứng khoán Delta, đồng thời bầu lại HĐQT và BKS. Nhà đầu tư kỳ vọng những cổ đông mới sẽ tái cấu trúc toàn diện và đưa công ty thoát lỗ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trước mắt Chứng khoán Delta vẫn đang bị kiểm soát đặc biệt và đình chỉ hoạt động 6 tháng từ 29/10/2012 đến 29/04/2013 do không đáp ứng các điều kiện về chỉ tiêu an toàn tài chính.

Chứng khoán Golden Brigde Việt Nam

Tiền thân là CTCK Click&Phone thành lập từ tháng 9/2007 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Qua năm 2008, Tập đoàn Tài chính Golden Bridge mua 49% cổ phần trong đợt tăng vốn của công ty này nhưng đến đầu năm 2011 thương hiệu Golden Brigde Việt Nam (GBS) mới chính thức ra đời.

Từ khi ra đời và kể cả khi thay đổi thương hiệu, GBS không có đặc điểm nổi trội, dù không lỗ nhưng lợi nhuận chỉ ở mức khiêm tốn. Năm hạn của GBS bắt đầu từ năm 2012 khi bất ngờ bị tạm đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ. Tiếp theo đó là hàng loạt án phạt từ đình chỉ giao dịch trên các Sở GDCK đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và không được giao dịch ký quỹ. Cổ phiếu GBS đã giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp.

Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào nửa cuối tháng 11/2012, những thành viên HĐQT người Việt đồng loạt từ nhiệm, toàn bộ Ban quản trị đều đến từ xứ Hàn. Kết thúc năm hạn 2012, GBS lần đầu tiên báo lỗ gần 7 tỷ đồng. Mới đây nhất, công ty còn bị phạt hơn 300 triệu đồng vào đầu năm 2013 vì cho khách hàng bán khống.

Nhìn chung, với diễn biến thị trường chứng khoán liên tục đi xuống trong vòng 5 năm trở lại đây, rất ít công ty chứng khoán có thể duy trì được đà phát triển như giai đoạn trước. Không chỉ những thương hiệu chứng khoán vừa và nhỏ ngày càng sa sút mà những công ty hàng đầu như Chứng khoán Sacombank (SBS), Chứng khoán Thăng Long (nay là Chứng khoán MB), Chứng khoán Kim Long (KLS), Chứng khoán ACB (ACBS)... đều phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đổi tên để mong sống sót qua giai đoạn khó khăn này.

Đó là chưa kể những công ty chứng khoán “hạng ruồi” như Chứng khoán Hùng Vương (HVS), Quốc Gia (NSI), Nam An (NASC), Thủ Đô (CSC) Châu (ASC)… “có tên” nhưng chưa từng “có tuổi” vẫn lây lất sống qua ngày trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt và đầy khó khăn với phần lớn thị phần môi giới đã chảy vào tay khoảng 30 tên tuổi hàng đầu.

Nhiều chuyên gia chứng khoán đều tin rằng, nếu thị trường tiếp tục khởi sắc trong năm 2013, các công ty này cũng khó lòng tồn tại và phát triển khi mà ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến với những công ty chứng khoán lớn, uy tín và có mức độ rủi ro thấp.

Nguồn Vietstock


Sự kiện