Thứ Bảy | 01/12/2012 14:44

Những tháng 11

Tháng 11 năm nay, sự uể oải lan từ người bán hàng nhỏ lẻ ngoài chợ đến doanh nghiệp. Người ta lo lắng hàng Tết bán bết bát.
Tháng 11 bao giờ cũng là thời điểm rộn ràng của năm. Nhà sản xuất lo chuẩn bị hàng bán Tết Dương lịch, Âm lịch và nhập khẩu nguyên vật liệu gối đầu cho quí I năm sau. Nhà xuất khẩu lo giao hàng cuối năm cho đối tác. Các ngân hàng xoay xở tìm ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tất cả hối hả, để khỏi lỡ nhịp vòng quay quí IV, quí mà doanh nghiệp thường công bố lợi nhuận cao nhất năm.

Năm nay không như thế. Sự uể oải lan từ người bán hàng nhỏ lẻ ngoài chợ đến doanh nghiệp. Người ta lo lắng hàng Tết bán bết bát. Cứ với đà này sự ngắc ngoải của doanh nghiệp có thể còn kéo dài.

Tín dụng ngoài tầm kiểm soát
Tháng 11/2010. “Làm sao chúng tôi có thể thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào Việt Nam khi chỉ số CPI tăng tới 1,86%/tháng, cao nhất trong vòng 15 năm qua?” – ông Dominic Criven, Tổng giám đốc Dragon Capital, khi ấy đang diễn thuyết trong một hội thảo về kinh tế Việt Nam diễn ra ở Hồng Kông, thốt lên đầy âu lo và thất vọng khi biết tin lạm phát tháng 11 thăng vọt. Ngay lập tức lãi suất cho vay nhảy lên 18%/năm. Tuy nhiên ông Scriven và giới tài chính đã không thể nào dự đoán được họ sẽ còn phải trải qua tâm trạng lo lắng và thất vọng xen kẽ nhiều lần nữa khi CPI tháng 4-2011 ở đỉnh 3,32%.
Tháng 11/2011. CPI dương ở mức thấp 0,39%. Hai tháng trước đó, ngày 7/9/2011, tân Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, họp với đại diện tất cả các ngân hàng, kêu gọi và yêu cầu các tổ chức tín dụng cam kết thực thi nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, hạ lãi suất cho vay về 17-19%/năm. Lúc ấy lãi suất cho vay với một số đối tượng vẫn còn ở mức 25%/năm.

Vượt ngoài mọi phỏng đoán, chỉ hơn 6 tháng sau đó, trần lãi suất tiền gửi tụt áp về 9%/năm, nhưng lãi suất cho vay vẫn ung dung đứng ở mức cao. Cho đến khi NHNN hiệu triệu các ngân hàng điều chỉnh lãi suất các hợp đồng vay cũ về 15%/năm, lãi suất mới được giảm phần nào. Từ đó đến nay, ngoài một số đối tượng ưu đãi, lãi suất cho vay thực tế vẫn xoay quanh mức trên.

Tháng 11/2012. Tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm được NHNN công bố 3,36% so với cuối năm ngoái. NHNN nhận định tín dụng cả năm sẽ tăng 5%. Giữa năm NHNN đánh giá tín dụng cả năm tăng chừng 10%. Chỉ mấy tháng, dự báo tín dụng rớt một nửa!

Nhìn lại, năm 2010 tính dụng tăng trưởng hơn 27%; năm 2011 tăng 12%, ít nhiều có khoảng cách với chỉ tiêu đề ra, song khoảng cách đó có thể chấp nhận được. Nay con số 3,36% không khỏi khiến người ta nghi vấn: phải chăng tăng trưởng tín dụng đang nằm ngoài tầm kiểm soát? Lần này không phải quá cao, mà là quá thấp. Sự nghi vấn càng có cơ sở như nhận xét của một chuyên gia tài chính: “NHNN đã đưa lạm phát xuống nhanh như khi đưa nó lên”. Lạm phát xuống mà tín dụng vẫn không thể tăng như mong muốn, vậy tắc nghẽn đang xảy ra ở chỗ nào?

Giảm lãi suất cho vay

Tăng trưởng GDP năm nay dự báo 5,2%. Một phần của tăng trưởng GDP dựa vào xuất khẩu. NHNN hồ hởi năm nay xuất siêu. Không hồ hởi sao được khi những năm trước nhập siêu luôn quanh quẩn 10 tỷ đô la Mỹ. Nay “tự nhiên” 10 tỷ đô la Mỹ này biến mất, thay vào đó là xuất siêu. Đây mới là nhân tố chính quyết định sự ổn định của tỷ giá thời gian qua và tạo điều kiện cho NHNN mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối.

Không hồ hởi như NHNN, các nhà xuất khẩu nội địa đau đầu bởi họ nắm rõ sự đóng góp khiêm tốn của họ vào tăng trưởng xuất khẩu. Xuất khẩu đi lên không phải nhờ doanh nghiệp nội, mà chủ yếu nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Mọi sự tăng trưởng đều không thể thiếu yếu tố vốn. Khu vực FDI đang được hưởng lợi từ tỷ giá ổn định, nhờ đó họ có thể vay vốn giá rẻ từ công ty mẹ ở nước ngoài. Trong khi xuất khẩu vẫn là một lĩnh vực được ưu đãi vay vốn lãi suất thấp của các ngân hàng, nhưng nguyên liệu, nhân công, công nghệ và mọi yếu tố khác góp phần tạo nên sản phẩm xuất khẩu lại xuất phát từ nhiều ngành nghề khác, nơi lãi suất luôn cao.

Thêm một mối quan tâm là liệu sự tăng trưởng GDP năm nay được duy trì một phần là nhờ ảnh hưởng của tín dụng những năm trước? Tốc độ tăng trưởng tín dụng từ năm 2010 trở về trước rất cao. Năm ngoái tín dụng tuy có thấp hơn, nhưng không tính trái phiếu doanh nghiệp, ủy thách đầu tư, trong khi số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy doanh số hai nghiệp vụ này lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Năm nay tín dụng tăng trưởng thấp như vậy, liệu tăng trưởng GDP năm sau có bị tác động?

Để khai thông tín dụng, rõ ràng phải xử lý nợ xấu, NHNN cho biết ngày 15/11/2012 sẽ trình Chính phủ đề án thành lập công ty quản lý tài sản và đề án này sẽ được Chính phủ trình lên cấp cao hơn. Hiện nay không biết đề án đang nằm ở sự xem xét của cấp có thẩm quyền nào?

Trong khi chờ giải pháp cho nợ xấu, điều mà nền kinh tế cần là lãi suất đầu ra phải giảm thêm, nhất là trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt. Ngân hàng lập luận giá thành vốn huy động đầu vào cao do phải gánh cả nợ xấu, tức luôn phải trả lãi cho khoản tiền huy động để bù đắp nợ xấu chưa và không đòi được, nên khong thể hạ lãi suất đầu ra. Điều đó không sai, chỉ có điều nó thiên về lợi ích ngân hàng, mà bỏ qua việc nhiều doanh nghiệp không có nợ xấu ở ngân hàng, vẫn phải chịu một mặt bằng lãi vay cao. Nên chăng NHNN cần có một lời hiệu triệu đủ mạnh khác, để giảm lãi suất đầu ra về mức 12%/năm từ mức 15% hiện nay?

Nguồn TBKTSG


Sự kiện