Thứ Ba | 18/12/2012 21:02

"Nhu cầu về than đá vượt dầu mỏ trong thập kỷ tới"

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), than đá sẽ là nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới trong vòng một thập kỷ nữa.
Các chuyên gia thuộc IEA trong báo cáo công bố ngày 18/12 cảnh báo than đá - một trong những nhiên liệu thải nhiều khí độc gây biến đổi khí hậu nhất, sẽ soán ngôi của dầu mỏ và trở thành nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.

Báo cáo của IEA cho biết vào năm 2017, nhu cầu tiêu thụ than đá toàn cầu sẽ "đuổi kịp" nhu cầu tiêu thụ dầu, với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 4,32 tỷ tấn than và 4,4 tỷ tấn dầu. Theo IEA, nhu cầu sử dụng than gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, bởi so với các loại nhiên liệu khác, than thải ra nhiều khí carbon gây hiệu ứng nhà kính- nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ấm lên trên toàn cầu.

Các chuyên gia IEA - cơ quan tư vấn năng lượng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho rằng các nền kinh tế đang phát triển ngoài khối, đặc biệt ở khu vực châu Á, là nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ than đá tăng mạnh, chủ yếu do tình trạng bùng nổ dân số và gia tăng mức tiêu thụ điện ở những nước này.

IEA dự báo Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều than thứ hai thế giới vào năm 2017, do nhu cầu điện tăng cao, trong khi lượng tiêu thụ than đá của Trung Quốc cũng tăng đột biến ở mức gần 3.200 tấn.

Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng than đá của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trung bình 3,7%/năm, và sẽ chiếm hơn một nửa tổng nhu cầu toàn cầu vào năm 2014.

Giám đốc IEA, bà Maria van der Hoeven, nhận định tăng trưởng kinh tế là nguyên nhân góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng than đá, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước cần có sự thay đổi trong đường lối, chính sách về năng lượng.

Trung Quốc hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm 23,4% lượng khí CO2 của toàn cầu. Các nước và khu vực có lượng khí carbon lớn tiếp theo là Mỹ (18,2%), Liên minh châu Âu (14,1%), Ấn Độ (5,78%), Nga (5,67%) và Nhật Bản (4,1%).

Nguồn Vietnam+


Sự kiện