Thứ Ba | 17/09/2013 10:01

Nhìn lại niên vụ cà phê 2012-2013

Còn 2 tuần nữa là kết thúc niên vụ cà phê 2012/2013, với ước tính toàn niên vụ xuất khẩu giảm 10,5% về lượng và giá trị so với niên vụ 2011/2012.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cà phê xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 974 nghìn tấn, kim ngạch 2,09 tỷ USD; giảm 23,2% về khối lượng và 22,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2012. Niên vụ cà phê hàng năm bắt đầu từ 1/10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau, lũy kế từ đầu niên vụ 2012-2013 đến hết tháng 8/2013, cả nước đã xuất khẩu được 1,37 triệu tấn cà phê. Dự tính đến khi kết thúc vụ, khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,41-1,42 triệu tấn.
Giai đoạn khủng hoảng của cà phê

Trong bối cảnh thị trường muôn vàn khó khăn nhưng giá xuất khẩu cà phê bình quân toàn niên vụ vẫn đạt 2.142 USD/tấn, tăng 1% so với niên vụ trước, thể hiện những nỗ lực của ngành cà phê. Tuy nhiên, ở niên vụ trước giá cà phê luôn rải đều quanh mức 40-42 triệu đồng/tấn thì năm nay, giá cà phê trồi sụt lên xuống rất thất thường.

Việt Nam đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng vững chắc với kim ngạch xuất khẩu cà phê 3 tỷ USD mỗi năm. Nhìn vào kết quả niên vụ đang sắp kết thúc, tương đương với niên vụ 2010-2011, có vẻ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng giá các loại nông sản đã có sự khác biệt rất lớn so với cách đây 5 năm thì giá cà phê vẫn “dậm chân” tại chỗ.

Năm 2007, giá cà phê nội địa đã đạt mức 40 triệu đồng/tấn, thì nay vẫn khó vượt nổi mức này, thậm chí hiện đang rơi xuống dưới 37 triệu đồng/tấn. Trong khi chi phí phân bón, nhân công, tưới nước cho cây cà phê đã tăng gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước khiến người trồng cà phê ngày càng ít lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ.

Hãng tin Reuters cho rằng, ngành hàng cà phê của Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì nhiều lý do: trốn thuế, quản lý yếu kém, mất khả năng thanh toán, vốn vay lãi suất cao và tín dụng bị thắt chặt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nợ xấu của ngành cà phê hiện ở mức 8.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng dư nợ của toàn ngành. Trong số 127 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê năm 2012, đến nay có 56 đơn vị đã ngừng kinh doanh hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh khác do không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng.

Các thương nhân cà phê ở nước ngoài ví von, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã “tự đào hố chôn mình” vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay và thiếu kỹ năng tham gia thị trường cà phê kỳ hạn.

Ngoài ra, “trong ngành hàng cà phê Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều “con sâu” phá phách, đó là những tay “mối lái” lừa bán cho doanh nghiệp xuất khẩu những lô hàng cà phê nhân kém chất lượng, khiến họ buộc phải bán lại với giá thấp”, Joyce Liu, một nhà phân tích đầu tư của Phillip Futures ở Singapore nhận xét.

Chờ Ban điều phối xoay chuyển tình thế

Hãng tin Reuters cũng phê phán sự “nửa vời” trong việc triển khai những chính sách điều tiết ngành hàng cà phê ở Việt Nam. Chính phủ đã quyết định giãn nợ cho các doanh nghiệp cà phê từ 12 tháng lên 36 tháng, thế nhưng động thái này có lợi cho các ngân hàng nhiều hơn bởi thực tế, trong khi lãi suất đã hạ, nhưng chỉ những doanh nghiệp nào vay những khoản mới thì mới có lãi suất 11-12%/năm, nhiều doanh nghiệp chưa trả được các khoản vay cũ thì vẫn tiếp tục phải chịu lãi suất cao 16,5-17%/năm.

Mặt khác, từng có thời điểm, chính sách thu mua tạm trữ được triển khai nhằm kìm giữ giá cà phê không đi xuống. Thế nhưng, triển khai chính sách này đều thất bại do trục trặc trong công tác hậu cần và giải ngân chậm trễ.

Cách đây hơn 1 tháng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định chính thức thành lập Ban điều phối ngành hàng cà phê, chịu trách nhiệm tham mưu, điều phối các hoạt động và nguồn lực của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê...

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Ban điều phối vẫn chưa triển khai một hoạt động nào. Kỳ vọng cải tổ ngành hàng cà phê, vẫn còn phải tiếp tục chờ. Hiện vẫn chưa biết Ban điều phối ngành hàng cà phê sẽ hoạt động như thế nào để xoay chuyển tình thế.

Niên vụ cà phê 2013-2014 đứng trước khó khăn thị trường càng trầm trọng hơn niên vụ trước. Khác với mọi năm vào thời điểm cuối vụ cà phê cũ, chuẩn bị vào vụ cà phê mới, cà phê luôn tăng và ở mức cao nhưng năm nay chiều hướng lại trái ngược hoàn toàn khi giá không tăng mà còn có xu hướng giảm. Thời điểm này năm ngoái, giá cà phê nội địa đạt mức 43-44 triệu đồng/tấn.

Thế nhưng hiện nay, khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa bước vào vụ thu hoạch cà phê mới, giá cà phê nội địa ở Tây Nguyên hiện chỉ còn 36,7-37 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. Các doanh nghiệp cho rằng, diễn biến đứng giá này đang có lợi cho việc thu mua và đây là thời điểm tốt để những doanh nghiệp có nguồn tài chính mạnh tìm cách mua vào tạm trữ trong kho.

Mặc dù vậy, hầu như hoạt động mua bán cà phê đang rơi vào cảnh vắng lặng, vì cả nông dân, thương lái và doanh nghiệp đều không dám mạo hiểm, chưa biết diễn biến thị trường vụ mới sẽ ra sao.

Trong khi cuộc khủng hoảng cà phê Việt Nam vẫn chưa có lối thoát, thì Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 2 thế giới có thể chớp cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi sản xuất cà phê của nước này được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục mọi thời đại trong vụ mùa này.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện