Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đối tác nhượng quyền tại Việt Nam
Tại buổi gặp gỡ các đối tác Hàn Quốc và Việt Nam sáng ngày 3/12, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết số lượng doanh nghiệp nước này đến Việt Nam tìm kiếm đối tác đã tăng đột biến, trong đó số doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu trong năm 2015 đã tăng gấp 7 lần so với năm 2014.
Theo ông Park Sang Hyup, Trưởng Văn phòng Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc (Kotra) tại TPHCM, chia sẻ TPHCM là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Hàn Quốc bước vào. Xu hướng ăn uống và làm đẹp theo trào lưu Hàn Quốc đang len lỏi vào Việt Nam, vì vậy, nhiều doanh nghiệp nước này đang tìm hướng đầu tư vào đây.
Đại diện của Yadllie Chicken cũng cho biết, hiện nay làn sóng Kpop đang thịnh hành tại Việt Nam, và doanh nghiệp muốn tận dụng cơ hội mở rộng theo làn sóng này.
Hiện, những thương hiệu tìm kiếm đối tác nhượng quyền chủ yếu nằm trong lĩnh vực thức ăn nhanh, đồ uống, mỹ phẩm như Don Chicken, Yadllie Chicken, Pizza Manu, Coffee Bay Coffee & Bakery, Namwa Restaurant, mỹ phẩm Coreana… Hầu hết những thương hiệu này đã nhượng quyền tại nhiều nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kong, Philippines và sắp tới muốn hoạt động tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Namwa, một doanh nghiệp nhượng quyền của hãng này, với mặt bằng 83m2, sẽ đem về doanh thu khoảng 36.000 USD/tháng. Nếu trừ đi chi phí đầu tư, doanh nghiệp sẽ thu về lợi nhuận khoảng 7.680 USD/tháng.
Tuy nhiên, mức giá trung bình để nhượng quyền một cửa hàng ăn uống thương hiệu Hàn Quốc thường dao động 1 - 2 tỷ đồng. Đây được cho là con số quá cao so với thị trường Việt Nam.
Hiện nay, đã có nhiều thương hiệu nhượng quyền của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam như Lotteria, CJ Foodville, Genesis, Holly, F&B, SF Innovation, Caffe Bene, Tous Les Jours, Paris Baquette, BBQ Chicken…
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, trong suốt 8 năm qua, Vụ đã cấp phép cho 148 thương hiệu và nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất với 43,7%, bao gồm 42 thương hiệu các nhà hàng thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng, lẩu nướng...
Tiếp theo là lĩnh vực thời trang, chiếm 19,3%, với 19 thương hiệu. Giáo dục đào tạo chiếm 14,1%, 17 thương hiệu. Cửa hàng tiện lợi đạt 2,2% với 3 thương hiệu. Cửa hàng bán lẻ khác 10,4% với 15 thương hiệu. Sản xuất bán buôn các dịch vụ khác như dược phẩm, hoá chất, môi giới bất động sản, lưu kho…chiếm 10,3%.
Hàn Quốc hiện là nước đứng đầu trong 103 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng số 4.459 dự án, và 39,16 tỉ USD vốn đăng ký.
Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như Samsung, Lotte, LG, Huyndai… Sự hiện diện của các tập đoàn này kéo theo nhiều doanh nghiệp vệ tinh cũng sang hoạt động tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.
Hàn Quốc đứng thứ 3 trong 10 đối tác lớn của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu đứng thứ 5 và thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam. Thương mại 2 chiều đạt kỷ lục 30 tỉ USD. Sau khi ký kết Hiệp định Thương mại Việt- Hàn vào 5/2015 vừa qua, hai nước hy vọng thương mại hai chiều đạt 70 tỉ USD vào 2020.
Như Thanh