Nhân tố nào gây áp lực tới CPI tháng 4?
Đó là tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn, khô hạn và xâm ngập mặn đang diễn ra tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất, giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ do nhu cầu tăng trong các dịp Lễ giỗ Tổ, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Thêm vào đó, tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước ở một số địa phương. Dự kiến tháng 4, Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04.
Tuy nhiên, trong tháng 4 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đó là giá nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ chỉ biến động nhẹ. Cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động.
Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự báo mặt bằng giá thị trường tháng 4 tăng nhẹ so với tháng 3.
CPI của 3 tháng đầu năm đã ở mức 2,39%, chiếm gần 37% mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (khoảng 6-6,5%) của cả năm mà Chính phủ đề ra.
9 tháng còn lại của năm 2013, bên cạnh các yếu tố tác động như giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, bão lũ, dịch bệnh có thể xảy ra thì 2 yếu tố có khả năng tác động đến CPI.
Yếu tố thứ nhất là các tỉnh thành phố sẽ tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh (viện phí) theo Thông tư liên tịch 04. Thứ hai là nhiều tỉnh thành phố trong cả nước có khả năng sẽ tăng học phí năm học 2013- 2014 theo Nghị định 49.
Nguồn Vneconomy