Thứ Tư | 30/01/2013 20:45

Nhà nhập khẩu Mỹ phản bác vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm

Seafood mới đây đã đăng toàn văn quan điểm của công ty Mazzetta Co, một trong những nhà nhập khẩu tôm lớn nhất nước Mỹ về vụ kiện này.
Ngày 17/1/2013, Tom Mazzetta, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Mazzetta Co., một trong những nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Mỹ đã bày tỏ với giới truyền thông quan điểm thẳng thắn về đơn kiện chống trợ cấp của các nhà chế biến tôm nội địa Mỹ. Dưới đây là ý kiến của Tom Mazzetta về vụ kiện này.

Qua những thông tin đăng tải trong suốt tuần qua trên các phương tiện truyền thông về thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, điều duy nhất tôi nghĩ là có sự khác biệt giữa tôm khai thác và tôm nhập khẩu. Tuy nhiên, đơn kiện chống lại tôm nhập khẩu gần đây chỉ khiến tôi nghĩ về một trò chơi khăm mà ngành tôm khai thác của Mỹ đã duy trì và áp dụng đối với tôm nuôi nhập khẩu.

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã nghe thấy nguyên nhân chính dẫn đến những thiệt hại về tài chính đối với các nhà sản xuất tôm nội địa là nguồn tôm nhập khẩu giá rẻ. Các nhà sản xuất tôm nội địa của chúng ta liên tục “tấn công” tôm nhập khẩu trên các phương tiện truyền thông, và cùng với các nhà hoạch định chính sách, đã đeo đuổi hàng loạt vụ kiện thương mại chống lại tôm nhập khẩu với nỗ lực tăng giá bán tôm và giảm nhập khẩu.

Nỗ lực mới đây nhất là đơn kiện của các nhà chế biến tôm nội địa trong tháng 12/2012 với cáo buộc rằng giá tôm nhập khẩu rẻ từ một số nước do có sự trợ cấp của chính phủ. Và chính tôm nhập khẩu này, về lý thuyết, đã gây tổn thất cho các nhà sản xuất tôm nội địa ngay chính trên thị trường của họ.

Đặt mọi chuyện liên quan đến vụ kiện sang một bên để nói về tôm nuôi và tôm khai thác, có thể thấy rõ sự khác biệt lớn giữa tôm nuôi và tôm khai thác do chi phí sản xuất của tôm khai thác và tôm nuôi khác nhau.

Tôm nội địa không phải là sản phẩm tương tự tôm nuôi và không có cách nào có thể cạnh tranh về giá với tôm nuôi. Tôm khai thác càng không thể cạnh tranh về sản lượng cũng như sự ổn định nguồn cung. Giải pháp cho sự khác biệt lớn về giá giữa hai sản phẩm là tăng cường tiếp thị để người tiêu dùng biết rằng tại sao họ nên trả giá cao cho tôm khai thác của họ. Cá hồi khai thác Alaska là một minh chứng rõ ràng cho việc này.

Khi nghĩ về thương mại không công bằng, người ta thường nghĩ đến các sản phẩm tương tự nhau trên thị trường như đồ trang sức, thép, đồ hộp hay đệm lò xo. Các sản phẩm này nói chung đều được sản xuất ở nước ngoài và theo cách giống nhau. Vì vậy nếu giá thị trường giữa đồ trang sức được sản xuất trong nước và sản xuất ở nước ngoài chênh lệnh quá lớn, có thể khởi kiện để đảm bảo phần nào sự công bằng.

Tuy nhiên, đối với trường hợp tôm nuôi và tôm khai thác, tôm nuôi được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn so với tôm khai thác tự nhiên. Quan điểm của tôi là thật nực cười khi cho rằng ngành tôm khai thác chỉ có thể vững mạnh bằng cách trừng phạt tôm nuôi nhập khẩu từ nước ngoài.

Cho dù bằng cách nào đi nữa, trừng phạt dưới hình thức tranh chấp thương mại, bôi nhọ sản phẩm hay các chiêu trò về an toàn thực phẩm hoặc thiết lập các chính sách ngăn cản nhập khẩu, mục đích chung nhất vẫn giống nhau, đó là ngăn cản tôm nuôi nhập khẩu với hy họng tạo ra tác động tích cực nhằm cải thiện giá tôm khai thác nội địa.Và đây là bí mật “bẩn thỉu”: chính các nhà chế biến nội địa định giá bán tôm khai thác của Mỹ tại cảng!

Kỳ lạ thay, giá này được thống nhất trên cả nước. Các nhà chế biến và phân phối là những người cuối cùng đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, do họ đã không thể giúp người tiêu dùng nhận biết được sự khác biệt của sản phẩm tôm khai thác và tại sao lại phải trả thêm tiền cho mặt hàng này nên các nhà chế biến và phân phối đã phải bán tôm với giá thấp và tương đương với giá bán tôm nuôi để có thể cạnh tranh.

Thực tế này làm cho người khai thác tôm của Mỹ nhận được mức giá thấp hơn so với những gì họ xứng đáng được nhận. Họ được lôi kéo vào việc đổ lỗi cho tôm nuôi - sản phẩm duy nhất đang cạnh tranh trên thị trường. Tin này không có gì mới đối với những người trong ngành tôm. Nhưng với nhiều người không ở trong ngành, những tin tức hay những vụ kiện kiểu này khiến họ tin rằng lợi nhuận của ngành khai thác tôm giảm là do giá tôm nuôi.

Cùng với thời gian, câu chuyện về vụ kiện cũng sẽ qua đi. Tuy nhiên, một lần nữa xin khẳng định, chìa khóa dẫn tới thành công của ngành khai thác tôm của Mỹ là đầu tư hơn nữa vào việc phát triển và quảng bá các sản phẩm của họ thay vì nỗ lực trong cuộc chạy đua về giá với tôm nuôi và đổ lỗi cho tôm nuôi về sự thất thu của ngành.

Tôm nuôi và tôm khai thác là hai sản phẩm hoàn toàn khác biệt, vì vậy không thể cạnh tranh về giá trên thị trường thủy sản cũng như trong phòng xử án.

Nguồn Vasep


Sự kiện