Nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu nào?
Ưu tiên tài sản bất động sản
Thống kê của một công ty chứng khoán (CTCK) trong thời gian gần đây chỉ ra rằng, một nửa số CP đang niêm yết hiện có giá thấp hơn mệnh giá 1.0 và quan trọng thấp hơn cả giá trị sổ sách. Nhiều NĐT trước đây vẫn thích nhìn P/E của CP, nay chuyển sang quan tâm đến giá trị sổ sách (BV) của công ty.
Cũng như P/E, xác định BV không hề khó, nếu NĐT biết đọc BCTC chỉ cần lấy vốn chủ sở hữu chia cho số CP lưu hành nếu không truy cập vào các trang tin cung cấp dữ liệu chứng khoán, hoặc đơn giản hơn hỏi nhân viên môi giới.
Năm 2013, có thể xem cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp, nên bắt buộc các động thái tái cấu trúc phải được thực hiện quyết liệt và bán tài sản là một trong số đó. Hồi đầu năm nay, thị trường xôn xao về thông tin Gemadept (GMD) bán tòa cao ốc của mình nằm trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM) thu về một khoản tiền mặt lớn để cơ cấu lại nợ, sau đó GMD đã có những giải trình cho biết thương vụ vẫn chưa hoàn tất. Ngoài ra, GMD cũng bán đi khoản đầu tư vào Nước khoáng Vĩnh Hảo, mà theo một số ước đoán có thể đem lại khoản lãi cả trăm tỷ đồng.
Ngày 25-11, Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) công bố đã hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị của mình tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc cho đối tác với tổng giá trị gần 56 tỷ đồng. VNH sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh từ việc chuyển nhượng trong BCTC quý IV-2013 của mình.
Cũng trong giai đoạn này, VNH đã tăng một mạch từ 2.000 đồng/CP lên mức 8.000 đồng/CP. Số tiền 56 tỷ đồng thu về từ bán tài sản bằng gần phân nửa tổng tài sản trị giá 127 tỷ đồng, tương đương 70% vốn điều lệ 80 tỷ đồng, ngang bằng với khoản nợ phải trả 52 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý III-2013 của VNH.
Hay nhờ vào việc chuyển nhượng phần vốn góp tại CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm cho PVCombank Đà Nẵng, CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (PXM) đã giảm bớt phần nợ vay và có khoản doanh thu 1,4 tỷ đồng.
Giá trị tài sản trong thực tế khác với BV, để đánh giá một cách chính xác không hề đơn giản. Đó cũng là lý do những thương vụ thâu tóm doanh nghiệp để qua đó có được tài sản hấp dẫn, giá rẻ vẫn xảy ra, nhưng không nhiều. Nhìn trên góc độ thị trường, giá trị tài sản nhiều khi chỉ là một lý do, một cái cớ để đám đông lựa chọn CP. Nếu số đông nhìn nhận CP có giá thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản, cộng thêm với một “mồi lửa” lực mua sẽ gia tăng, đẩy CP đó tăng thêm. |
Hoạt động bán tài sản, cộng với việc đàm phán với các tổ chức tín dụng đã giúp PXM có lãi gần 8 tỷ đồng trong quý III-2013 sau một giai đoạn thua lỗ triền miên. Dù đang bị kiểm soát và chỉ giao dịch 15 phút cuối tại HOSE, nhưng PXM cũng đã tăng giá gấp 3 lần, từ 600 đồng/CP lên 1.800 đồng/CP trong tháng 11 vừa qua.
Nhưng tài sản phải có thanh khoản
Đối với một doanh nghiệp, có tài sản là chưa đủ, quan trọng hơn nữa là tính thanh khoản của tài sản đó, nói một cách đơn giản là tài sản đó có giá trị hay không và có người mua hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, thử bắt đầu với trường hợp của các công ty trong ngành bất động sản.
Không phải đến năm nay, giá của CP bất động sản mới thấp hơn giá trị sổ sách, mà điều này đã có từ vài năm trước, nhưng vấn đề là các công ty không dễ gì chuyển nhượng tài sản là đất đai, dự án cho các đối tác hoặc ít nhất làm cho các tài sản này sinh lời.
Đó cũng là lý do vì sao chỉ có CP của những công ty bất động sản nào có hoạt động chuyển nhượng tài sản mới đưa vào tầm ngắm NĐT. Lấy thí dụ trường hợp của Licogi 16 (LCG), nhờ vào những thông tin liên quan đến việc bán dự án Sky Park Residence tại Hà Nội do công ty làm chủ đầu tư nên CP LCG trên sàn đã tăng từ hơn 5.000 đồng/CP lên hơn 7.000 đồng/CP vào đầu tháng 11.
Hay như trường hợp của Hoàng Quân (HQC) được chuyển đổi 3 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, sẽ thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, kéo giá CP đi lên.
Tính đến cuối quý III, BV của mỗi CP CNT (CTCP XD&KD Vật Tư) lên đến 17.500 đồng/CP. Có thời điểm cuối tháng 10, thị giá của CNT giảm về khoảng 2.800 đồng/CP, tức chỉ bằng 16% giá trị sổ sách, tỷ lệ chiết khấu lên đến 84%.
Sau đó, CNT cũng đã có một loạt phiên tăng nóng lên gần 4.000 đồng/CP và hiện nay đang có giá khoảng 3.500 đồng/CP. Ngay cả tại mức giá 4.000 đồng/CP, mức chiết khấu của CNT so với giá trị tài sản cũng còn khá cao. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc CNT sẽ tiếp tục tăng giá.
Cuối tháng 10, CNT đã công bố sẽ bán ra khoản đầu tư trị giá 10,2 tỷ đồng tại CTCP Bê tông và Xây dựng Thăng Long. Nhưng chỉ bấy nhiêu là chưa đủ, theo dõi bảng cân đối kế toán của CNT sẽ thấy công ty còn có hơn 700 tỷ đồng phải thu, nợ phải trả hơn 1.300 tỷ đồng và tính đến 30-9 năm nay công ty đã có khoản lỗ lũy kế hơn 30 tỷ đồng.
Tình hình của CNT chỉ có thể cải thiện nếu công ty xử lý được các khoản phải thu, bán được hàng tồn kho, hoặc một số tài sản khác để giải quyết nợ vay. Nếu vẫn tiếp tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu của CNT sẽ bị sụt giảm, qua đó BV của CP cũng giảm theo. Mua một CP có giá trị tài sản dù rẻ, nhưng cứ theo chiều hướng giảm, sẽ không mấy thích thú.
Theo Thái Hưng
Nguồn CafeF