Thứ Hai | 16/04/2012 05:17

Nhà đầu tư chưa mặn mà với cổ phiếu ngành công nghệ

Mặc dù cổ phiếu ngành công nghệ chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng doanh nghiệp trong ngành vẫn có cái nhìn lạc quan.
Nếu so với mặt bằng chung trên thị trường, sức tăng giá của cổ phiếu FPT từ đầu năm 2012 đến nay chưa thực sự ấn tượng. Cụ thể, nếu như đầu năm nay, cổ phiếu FPT giao dịch ở mức khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu, thì khi chốt phiên giao dịch ngày 13/4, đạt 61.000 đồng/cổ phiếu, tức là tăng trên 20%.

Tương tự, cổ phiếu CMC của Tập đoàn Công nghệ CMC trong hơn 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng từ mốc 5.600 đồng lên 6.900 đồng/cổ phiếu, tức xấp xỉ 23%.

Tốc độ tăng giá của những cổ phiếu này thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trung bình của chỉ số VN-Index. Cụ thể, nếu như đầu năm 2012, VN-Index dao động ở mức 350 điểm, thì đến hết ngày 13/4, chỉ số này đã đạt hơn 462 điểm, tức tăng hơn 30%.

Đó là chưa kể, không ít cổ phiếu khác trong ngành công nghệ và viễn thông thậm chí còn giảm giá. Chẳng hạn, cổ phiếu CMT của Công ty cổ phần Công nghệ mạng và Truyền thông trong 3 tháng qua đã giảm từ hơn 8.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 7.400 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu SGT của Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn còn có tốc độ tuột dốc mạnh hơn, khi giảm từ hơn 8.000 đồng/cổ phiếu đầu năm xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, cũng có một số cổ phiếu công nghệ bất ngờ tăng tốc trong thời gian gần đây. Điển hình là cổ phiếu ECL của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ điện tử viễn thông chỉ trong vòng nửa tháng (từ cuối tháng 3 đến nay) đã tăng một mạch từ mốc 22.000 đồng/cổ phiếu lên tới gần 30.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 30%.

Mặc dù cổ phiếu ngành công nghệ chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến, nhưng doanh nghiệp trong ngành vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng phát triển của lĩnh vực công nghệ trong năm nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần FPT vừa diễn ra ngày 14/4, đại diện FPT cho biết, mức độ thâm nhập của Internet băng thông rộng ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện mức độ thâm nhập của dịch vụ Internet băng thông rộng ở Việt Nam chỉ là 4,6%, so với mức 6,1% của Philippines, 11,9% của Trung Quốc, 26,2% của Malaysia...

Trong khi đó, đánh giá về triển vọng nội dung số, đại diện FPT cho rằng, Việt Nam có trên 30,5 triệu người dùng Internet.

Với cơ cấu dân số trẻ như hiện nay, nhu cầu kết nối cho công việc, giải trí… sẽ ngày một gia tăng. Do đó, ngành công nghiệp nội dung, dù mới hình thành, nhưng có tốc độ phát triển đều đạt trên 40%/năm.

Nguồn http://baodautu.vn


Sự kiện