Nguy cơ mất cân bằng thương mại toàn cầu 2020 do Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Trong khi đó, khối lượng thương mại gạo toàn cầu hiện nay khoảng 35-37 triệu tấn, ít hơn 20% lượng tiêu thụ nội địa của Trung Quốc.
Việc Ấn Độ tái gia nhập vào thị trường gạo toàn cầu trong năm 2011 sau khi lệnh cấm xuất khẩu 3 năm của nước này hết hiệu lực, đã cải thiện nguồn cung cấp toàn cầu. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh nhập khẩu gạo của Trung Quốc khiến các chuyên gia toàn thế giới lo ngại. Năm 2011-2012, nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng gấp ba lần lên khoảng 1,8 triệu tấn. Năm 2012-2013, với 2,7 triệu tấn gạo nhập khẩu, Trung Quốc trở thành nước nhập gạo lớn thứ hai thế giới.
Trong khi chính phủ Trung Quốc khẳng định có đủ gạo dự trữ trong nước và nhập khẩu gạo tăng chủ yếu là do giá gạo quốc tế thấp, nghiên cứu cho thấy nhập khẩu gạo của Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho an ninh lương thực toàn cầu và thương mại gạo trong tương lai.
Theo Tiến sĩ kinh tế Samarendu Mohanty, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo trong trung hạn. Theo ông, chi phí sản xuất tăng nhanh và áp lực trên diện tích trồng lúa từ các cây trồng có giá trị khác có khả năng giữ giá gạo quốc tế rẻ hơn nhiều so với gạo nội địa Trung Quốc.
Theo Trung tâm quốc tế về thương mại và phát triển bền vững (ICTSD), sản lượng gạo Trung Quốc năm 2020 có thể giảm khoảng 7 triệu tấn so với năm 2011 do diện tích trồng giảm. Trong khi đó, thương mại gạo toàn cầu ước tính khoảng 41 triệu tấn năm 2020 . "Nếu Trung Quốc nhập 7 triệu tấn gạo để bù đắp cho sản lượng bị thiếu hụt, điều này sẽ gây áp lực không thể tin được về giá tại cả Trung Quốc và trên toàn cầu", ICTSD nói.
ICTSD đề nghị chính phủ Trung Quốc xem lại chính sách trợ cấp nông nghiệp và tăng cường các biện pháp hỗ trợ cải thiện sản xuất lúa gạo và các loại ngũ cốc khác.
Nguồn Oryza/Dân Việt