Thứ Sáu | 25/01/2013 14:01

Nguy cơ bị kiện bán phá giá: Thép nội gặp khó

Trong bối cảnh Việt Nam đang tồn thép cao, và liên tiếp đối mặt với các đơn kiện thì cửa ra cho ngành hàng này ngày càng nhỏ lại.

Vừa đặt chân vào thị trường các nước thuộc khối Asean, mặt hàng tôn mạ kim loại và tôn sơn thép lập tức bị các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội ngành hàng của nước sở tại kiện về chống bán phá giá và tự vệ đặc biệt thương mại. Trong bối cảnh Việt Nam đang tồn thép cao, và liên tiếp đối mặt với các đơn kiện thì cửa ra cho ngành hàng này ngày càng nhỏ lại.

Liên tiếp đơn thư cảnh báo

Hiện tại, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tổng công suất đối với sản phẩm tôn mạ kim loại sơn phủ màu của Việt Nam đã đạt 2,6 triệu tấn/năm, vượt xa nhu cầu thực tế trong nước. Đứng trước tình hình này, các DN buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu, song liên tiếp các DN xuất khẩu thép lớn của Việt Nam nhận được các đơn thư cảnh báo về việc bán phá giá cũng như biện pháp tự vệ tại thị trường Thái Lan, Indonesia…

Cụ thể đầu tháng 1 này, Hiệp hội Tôn mạ kim loại và Sơn phủ màu Thái Lan đưa ra cảnh báo lần thứ hai rằng họ đang cân nhắc việc điều tra chống bán phá giá hoặc có biện pháp tự vệ chống lại các nhà sản xuất thép mạ phủ Việt Nam. Trước đó, vào tháng 10-2012, Thái Lan cũng đã từng gửi lời cảnh báo.

Chưa hết, theo VSA, Liên đoàn Công nghiệp Sắt thép Malaysia (MISIF) gửi thư cho VSA cảnh báo tôn phủ kim loại và sơn phủ màu của Việt Nam nằm trong nguy cơ bán phá giá.

Nhận định của các chuyên gia, việc đệ đơn của các DN thép tại các quốc gia trên cho thấy tình trạng bảo hộ thái quá xuất phát từ lợi ích của một số công ty và tập đoàn đa quốc gia nhằm độc chiếm thị trường. Tuy nhiên, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu mà không có giải pháp tích cực và sự can thiệp kịp thời sẽ gây bất bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các nước và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại đến mục tiêu tự do hóa thương mại trong ASEAN.

Chủ tịch HĐQT Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho rằng, hành vi cục bộ ở phương diện quốc gia sẽ là mầm mống phá vỡ cấu trúc thị trường tự do mà các quốc gia ASEAN đang hướng tới, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN trong khu vực. Vì vậy, các cơ quan của chính phủ các nước cần phối hợp và có động thái tích cực, kịp thời để đảm bảo nguyên tắc tự do thương mại đã cam kết trong ASEAN được thực thi, bảo vệ giá trị cốt lõi của quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng.

2013: Dự báo tăng trưởng 3

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng : trước mắt phải tìm cách để các nước bạn không kiện, chỉ dừng ở mức cảnh báo. "VSA đã thành lập tổ để bàn bạc và thống nhất lại một số nội dung, đồng thời thông tin trả lời cho đối tác bên ngoài là chúng tôi sẵn sàng hợp tác để thực hiện” – ông Nghi nói.

Đại diện VSA thừa nhận thực tế ngành thép Việt Nam hiện đang rất ít kinh nghiệm và thấy lúng túng do đây là mặt hàng mới xuất khẩu. Các DN thép đang rất cần sự giúp đỡ của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Hiện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã gửi thông báo cho Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị Hiệp hội chuẩn bị để đối phó trong trường hợp bị kiện.

Mặc dù chia sẻ với hàng loạt những khó khăn mà ngành thép đang đối mặt nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cũng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường thì việc bị kiện đối với các ngành hàng là khó tránh khỏi. Do vậy, ngành thép cần phải chấp nhận luật chơi chung. "Trước mắt, ngành thép cần phải chuẩn bị tinh thần và có những biện pháp dự phòng, đối phó với các tình huống có thể xảy ra. Sự can thiệp của Chính phủ đối với vấn đề này là rất hạn chế. Vậy nên, vai trò của Hiệp hội trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết”, ông Quang nhấn mạnh.

Trong khi đó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường dự báo: Năm 2013, tiêu thụ thép sẽ chỉ tăng 3% do thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi mạnh mẽ. Theo ông Cường, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thép trong nước trong điều kiện công suất sản xuất thép của Việt Nam đã vượt 3 lần nhu cầu, các DN sản xuất thép sẽ vẫn phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực và các nước.

(Theo Đại đoàn kết)