Người Thái chờ mua cổ phần 12 doanh nghiệp nhà nước
“Kế hoạch bán hết cổ phần tại 12 doanh nghiệp lớn của Chính phủ Việt Nam đang làm các công ty nước ngoài hào hứng bởi cơ hội khai thác một thị trường tiềm năng 93 triệu dân mà trước đây họ khó tiếp cận”, tờ Nikkeivừa đưa ra bình luận.
Theo lộ trình, phần vốn nhà nước tại 12 công ty lớn sẽ được hoàn tất bán vào cuối 2017. Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ là đơn vị tiên phong mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiến hành thoái vốn. Với 45% cổ phần đang nắm giữ, Vinamilk mang về khoản cổ tức gần 100 triệu USD cho SCIC mỗi năm. Dự kiến, cổ phần tại Vinamilk của SCIC sẽ được bán ra ngay cuối năm nay. Nhiều quỹ đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang nhòm ngó đến Vinamilk.
Tuy nhiên, theo Nikkei, ứng cử viên mạnh nhất hiện là Thai Beverage, chủ sở hữu của thương hiệu bia Chang và rượu Mekhong tại Thái Lan. CEO Thai Beverage Thapana Sirivadhanabhakdi cho biết, Việt Nam đang là mục tiêu ưu tiên cho hoạt động M&A của công ty này. Trước đó, hãng đối thủ với Thai Beverage là Fraser & Neave của người giàu nhất Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đánh tiếng muốn mua Vinamilk.
Vinamilk hấp dẫn Thai Beverage bởi thị phần 40% thị trường sữa Việt Nam cùng mạng lưới phân phối mạnh hơn bất kỳ nhà sản xuất sữa nào, với 220.000 nhà bán lẻ. Vinamilk hiện cũng bắt đầu có doanh số tại Trung Đông và đã khánh thành một nhà máy sữa tại Campuchia hồi tháng 5/2016. Bà Mai Kiều Liên – CEO Vinamilk đánh giá, việc thoái vốn nhà nước sẽ giúp công ty này trở thành một công ty toàn cầu.
Phần vốn nhà nước trong Sabeco và Habeco cũng được quan tâm không nhỏ. Sabeco hiện chiếm 40% thị phần bia tại Việt Nam. Phần vốn nhà nước 89,6% tại đây đang được một loạt nhà đầu tư để mắt đến. Cụ thể như Asahi Group Holdings và Kirin Holdings (Nhật Bản); Anheuser-Busch InBev (Bỉ). Và tất nhiên cũng có một tên tuổi đến từ Thái Lan là Boon Rawd Brewery. Trong khi đó, với Habeco, đang nắm giữ 20% thị phần bia Việt Nam, có khả năng sẽ được Carlsberg (Đan Mạch) thâu tóm vì hãng này vốn đã có cổ phần tại đây. Theo Nikkei, sức hút này đến từ mức tăng trưởng không nhỏ của thị trường bia Việt Nam. Năm 2015, trong khi tiêu thụ bia tại Trung Quốc và Nhật Bản không tăng thì sản lượng tiêu thụ ở Việt Nam tăng 10%, đạt mức 3,4 tỷ lít. Dự kiến, Việt Nam sẽ qua mặt Nhật Bản để trở thành thị trường bia lớn thứ 2 châu Á trong giai đoạn 2020-2025.
Trong một dự báo khác, tờ Nikkei cho rằng, cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh có thể sẽ vào tay Siam Cement - nhà sản xuất vật liệu lớn nhất Thái Lan. Siam Cement thực chất đã có cổ phần tại hai công ty này. Thị trường nhựa Việt Nam đang tăng trưởng 20-25% mỗi năm. Do đó, người Thái đang rất sẵn lòng rót tiền để nắm trọn 2 tên tuổi này. Phần vốn nhà nước trong một số doanh nghiệp còn lại thuộc nhóm 12 công ty như: Bảo hiểm Bảo Minh, Công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Cơ khí và khoáng sản Hà Giang, Xuất nhập khẩu Sa Giang, FPT… cũng được dự báo sẽ bán tốt.
Tính đến cuối 2015, Việt Nam còn khoảng 800 doanh nghiệp nhà nước. Từ tháng 1 đến tháng 7 vừa qua, chính phủ đã thoái vốn xong tại 60 doanh nghiệp, thu về hơn 233 triệu đôla. Nhưng kế hoạch thoái vốn tại 12 doanh nghiệp lớn mới thực sự đáng chú ý với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo tính toán của SCIC, việc thoái vốn tại Sabeco có thể thu về được 1,8 tỷ USD và Habeco là hơn 400 triệu USD.
"Đây sẽ là 2 thương vụ khá táo bạo", tờ Nikkei dẫn nhận định của một công ty chứng khoán Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.
Nguồn VnExpress