WCM đã mở thêm 55 WinMart+ và 1 WinMart trong quý I.

 
Nguyễn Thu Thứ Sáu | 28/04/2023 11:00

Ngược dòng thị trường, Masan lãi hơn 5.000 tỉ đồng trong quý I

Tập đoàn Masan vẫn tăng trưởng về doanh thu và giữ được lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, tăng trưởng GDP Việt Nam giảm xuống 3,3%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Áp lực lạm phát hiện hữu thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng tăng lên 4,2%. Ngoài ra, xuất nhập khẩu đều giảm lần lượt là 14,7%, và 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, phát đi tín hiệu nhu cầu cho các sản phẩm Việt Nam đang giảm. Sự suy giảm này được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý I trên toàn ngành tiêu dùng. 

Mặc dù vậy, trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Masan vẫn kỳ vọng cải thiện lợi nhuận với kỳ vọng vào nửa cuối năm 2023, lĩnh vực ngân hàng sẽ sáng sủa, lãi suất giảm, từ đó nâng cao khả năng sinh lời chung của Công ty.

Theo đó, quý I, Masan có doanh thu thuần 18.706 tỉ đồng, tăng 2,8% so với quý I/2022. Lợi nhuận gộp đi ngang như cùng kỳ năm trước khi đạt 5.086 tỉ đồng. Trong quý I, The CrownX (TCX), nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận doanh thu giảm nhẹ trong môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý người tiêu dùng thắt chặt. Doanh thu 13.300 tỉ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

WCM có doanh thu thuần ghi nhận 7.335 tỉ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. WCM đã mở thêm 55 WinMart+ và 1 WinMart trong quý I, tổng cộng có 3.442 địa điểm trên toàn quốc cho cả siêu thị minimart và siêu thị. Triển khai TPay cùng TCB trên hệ thống WCM toàn quốc và có 9.000 tài khoản được tích hợp mỗi ngày. Đây là cơ sở để đẩy mạnh điểm bán của WCM thành điểm phân phối sản phẩm và dịch vụ tài chính.

Do chuyển nhượng mảng thịt chế biến sang Masan MeatLife (MML) nên doanh thu thuần của MCH giảm 2,8% xuống 6.265 tỉ đồng trong quý I/2023 so với 6.448 tỉ đồng trong quý I/2022. Trên cơ sở tương tự, loại trừ doanh thu thịt chế biến, doanh thu thuần tăng 2,6%. Các mảng gia vị, chăm sóc gia đình và cá nhân (HPC), cà phê ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là 12,6%, 26,6%, và 21,9%. Sự cải thiện doanh số bán hàng trong các danh mục này bù đắp cho sự sụt giảm lần lượt là 7%, 1,2% và 12,5% của thực phẩm tiện lợi, đồ uống và bia.

Đáng chú ý, sau khi về Masan, Phúc Long Heritage (PLH) đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cửa hàng flagship ghi nhận 311 tỉ đồng, tăng 11,8% trong quý I. 

Trong khi đó, doanh thu MML tăng 71,8% so với cùng kỳ nhờ doanh thu cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm và việc đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt chế biến. Doanh thu MML tăng lên 1.600 tỉ đồng tăng 71,8% so với 931 tỉ đồng trong quý I/2022.

Một công ty con khác là Masan High-Tech Materials cũng bị giảm doanh thu 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, do giá đầu ra thấp ảnh hưởng tiêu cực lên sản lượng của mỏ Núi Pháo và hiệu ứng cơ sở từ H.C.Starck khiến khách hàng tích trữ hàng tồn kho vào đầu năm 2022; giá vonfram trong quý I/2023 trung bình ở mức 335 USD/mtu, cao hơn 2% so với quý I/2022 là 328 USD/mtu. Hay ngân hàng Techcombank - công ty liên kết của Masan - cũng giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước khi còn đóng góp 961 tỉ đồng vào biên lợi nhuận EBITDA của Tập đoàn...

Về kế hoạch năm 2023, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000 tỉ đồng đến 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 31% so với mức 76.189 tỉ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 4.000 tỉ đồng và 5.000 tỉ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4-30% so với mức 3.852 tỉ đồng vào năm 2022. 

Kịch bản không thuận lợi, trong đó các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt tiêu dùng vẫn tồn tại, dự kiến lợi nhuận các mảng hàng đầu sẽ tăng từ 10-15%.