Thứ Sáu | 28/09/2012 21:54

Ngoại tệ phi USD tăng mạnh

Trong vòng 1 tháng qua, tỷ giá giữa tiền đồng với một loạt ngoại tệ khác, trừ USD, biến động mạnh.
Tính từ 24/8 đến 24/9, so với VND, đồng euro (EUR) tăng 3,26%, đô la Canada (CAD) tăng gần 1,6%, đô la Úc (AUD) tăng khoảng 0,34% và bảng Anh (GBP) tăng khoảng 2,25%. Đô la Singapore (SGD) tăng xấp xỉ 2% và yen Nhật (Yen) cũng tăng tương đương 0,75% so với VND.

Nếu tính trong vòng 3 tháng, từ ngày 24/6 đến 24/9, quy đổi so với tiền đồng, euro đã tăng 3,52%, CAD tăng hơn 4,8%, AUD tăng hơn 3,9%, GBP tăng 4,1%, SGD tăng 4,39%, và Yen tăng 2,3%.

Trao đổi với TBKTSG, các chuyên gia bộ phận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại nhận định rằng đây là biến động mạnh nhất của các đồng tiền này so với tiền đồng trong vòng nửa năm qua.

Một chuyên gia thuộc Ngân hàng Nhà nước lý giải sự tăng giá của đồng CAD và AUD đối với tiền đồng là do nền kinh tế Canada và Úc đang tăng trưởng tốt hơn nhiều so với Mỹ. Mặc dù các chỉ số kinh tế gần đây của 2 nước này cũng kém đi tương đối so với cách đây 2 năm, nhưng việc lãi suất của đồng CAD và AUD cao hơn nhiều so với USD khiến dòng tiền đầu tư để hưởng chênh lệch lãi suất vẫn chảy vào 2 đồng tiền này. Thứ hai, do không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 2 đồng tiền này được giới đầu tư quốc tế chú trọng hơn.

Trước câu hỏi liệu các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam có tác động lên tỷ giá tiền đồng với các ngoại tệ này không, chuyên gia này cho rằng, các tỷ giá này chỉ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá so với tiền đồng, kéo theo việc kích thích tâm lý đầu tư của nhà đầu tư nội địa vào các ngoại tệ khác.

Một đặc điểm cần chú ý là ngoại trừ euro, tỷ trọng giao dịch các ngoại tệ khác ở Việt Nam rất ít, dẫn đến sự khan hiếm các ngoại tệ này trên thị trường, nên đa phần tỷ giá của các ngoại tệ đó khi quy đổi theo tỷ giá quốc tế thường thấp hơn nhiều so với tỷ giá do các ngân hàng thương mại áp dụng. Vì thế, giá các đồng tiền này bị thị trường tự do đẩy lên rất nhanh mặc dù trên thị trường quốc tế, các ngoại tệ này lên giá không nhiều so với USD.

Chuyên gia bộ phận kinh doanh ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lý giải, gần 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam được giao dịch bằng USD, chỉ khoảng 10% là bằng các ngoại tệ khác nên Ngân hàng Nhà nước chỉ tập trung quản lý tỷ giá tVND/USD.

Thứ hai, việc mua ngoại tệ, chuyển ngoại tệ ra khỏi Việt Nam vẫn phải qua các khâu trình chứng từ rất ngặt nghèo nên tiền đồng chưa thể tự do chuyển đổi. Vì những lý do trên nên diễn biến tỷ giá của tiền đồng so với các ngoại tệ khác hoàn toàn do thị trường quyết định.

Đại diện bộ phận nguồn vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết thêm, một nguyên nhân khác gần đây đã tác động lên tỷ giá tiền đồng và các ngoại tệ khác là chương trình nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3) của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Theo đó, trong nhiều tháng tới, mỗi tháng Fed sẽ bơm ra thị trường 40 tỷ USD để mua trái phiếu. Một lượng cung khổng lồ sẽ kéo theo sự mất giá mạnh của đồng USD, đồng thời là sự tăng giá của các ngoại tệ khác và các loại hàng hóa. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD gần như không thay đổi từ đầu năm, do đó tỷ giá chéo tiền đồng và các ngoại tệ khác cũng tăng.

Các chuyên gia đều nhận định rằng tỷ giá giữa tiền đồng/USD sẽ không tăng nhiều từ nay đến đầu năm 2013, nhiều khả năng vẫn nằm trong phạm vi cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tức dao động không quá 3% so với thời điểm cuối năm 2011.

Phó Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải dự báo tỷ giá VND/USD cuối năm 2012 sẽ biến động khoảng 1-1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên so với các ngoại tệ khác, tiền đồng có thể sẽ mất giá khá nhiều.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện