Nghịch lý tập đoàn có lãi, giá xăng vẫn tăng cao
Tổng kết năm 2013, cùng với các ngành hàng thuộc diện “nhạy cảm, chiến lược, do nhà nước điều tiết” như điện và than, ngành xăng dầu cũng báo cáo kết quả kinh doanh có lãi.
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tổng doanh thu của ngành này năm 2013 đạt hơn 196 nghìn tỷ, giảm 2% so với năm 2012.
Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế lại đạt 1.929 tỷ đồng, tăng tới 97%. Trong đó, xăng dầu chuyển từ lỗ 126 tỷ đồng năm 2012 thành lãi trước thuế 768 tỷ đồng. Như vậy, riêng lãi xăng dầu đã chiếm 39% tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn này.
Nếu tính lợi nhuận sau thuế, con số toàn Tập đoàn là 1.533 tỷ đồng, tăng tới 99% so với năm 2013.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc petrolimex chia sẻ, với tỷ suất lợi nhuận đạt 10%, trung bình mỗi lít xăng dầu, Petrolimex lãi khoảng 96 đồng.
Tình hình giá xăng năm 2013
Đây đã có thể là một dấu hiệu tích cực cho ngành xăng dầu, nếu những khoản doanh thu đó không dựa vào việc điều tiết tăng giá của Nhà nước.
Nhìn lại thực tế năm 2013, mặt hàng xăng dầu đã có tới 11 lần điều chỉnh giá, 4 lần thay đổi thuế và 12 lần điều chỉnh việc trích xả Quỹ bình ổn, trong đó, mức độ tăng giá vẫn luôn lớn hơn mức độ giảm giá.
Giá xăng bán lẻ hiện nay đang ở mức 24.210 đồng/lít, tăng 4% so với giá tại thời điểm tháng 12/2012. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá thành phẩm xăng dầu bình quân thực chất là giảm từ 3-4% so với bình quân năm 2012. Chi phí kinh doanh định mức được tăng thêm 260 đồng/lít, từ 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít.
Đợt tăng giá xăng gần đây nhất là vào ngày 18/12. Theo đó, mức tăng của giá xăng dầu dao động từ 384 đồng đến 653 đồng/lít, riêng mặt hàng xăng A92 có mức tăng là 580 đồng. Thời điểm tăng giá đúng vào dịp cuối năm đã gây nên nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.
Bình luận về vấn đề tăng giá xăng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng giá xăng tăng vào bất cứ thời điểm nào cũng đều ảnh hưởng lớn tới giá cả các mặt hàng khác, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ, doanh nghiệp lao đao, thì tăng giá đầu vào càng dễ gây nên những hậu quả tiêu cực.
Cũng theo vị chuyên gia này, giá xăng và các thông tin về giá xăng hiện nay gần như mang tính áp đặt một chiều, và mới chỉ công khai chứ chưa hề minh bạch. Việc công khai được thực hiện qua niêm yết giá, và các đại lý bán lẻ bán theo đúng giá đó. Nhưng cơ cấu giá ra sao, cụ thể như thế nào thì dân và chuyên gia không hề biết.
Gần đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương 2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có yêu cầu ngành xăng dầu phải công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Thủ tướng chỉ đạo: “Tôi yêu cầu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bằng cách nào đó để các yếu tố hình thành giá nhập, giá bán phải công khai. Bây giờ phương tiện thông tin đã có, đưa thông tin lên truyền hình, điện thoại di động đảm bảo ai bật lên cũng biết giá xăng dầu bao nhiêu tiền, yếu tố hình thành giá như thế nào, lợi nhuận ra sao…”.
Thủ tướng chỉ đạo minh bạch, chuyên gia kêu gọi minh bạch, nhưng liệu giá cả năm 2014 có ổn định theo thị trường, và sự minh bạch đến khi nào sẽ “chạm” tới người tiêu dùng? Câu hỏi này có lẽ vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.
Thanh An
Nguồn Người Đưa Tin