Chủ Nhật | 07/07/2013 14:21

Ngành than tính chuyện tăng giá

Lãnh đạo Vinacomin cho biết, nhiều chủng loại than phải dừng xuất khẩu khi thuế suất thuế xuất khẩu than tăng lên 13% từ 7/7.
Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã có một số trao đổi về vấn đề này.

Xin ông cho biết những áp lực của ngành than khi thuế suất thuế xuất khẩu than chính thức tăng từ 7/7/2013?

Với mức thuế 10% thì nhiều chủng loại than của Việt Nam khi xuất khẩu không có lãi, chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Từ 7/7, khi thuế xuất khẩu than tăng lên 13% thì nhiều chủng loại than phải dừng xuất khẩu hoặc chỉ xuất khẩu cho những khách hàng bán lẻ, với số lượng ít. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng sản lượng tiêu thụ than cả năm, dự kiến chỉ xuất khẩu hơn 10 triệu tấn, giảm 4 triệu tấn so với năm 2012; làm gia tăng thêm khó khăn trong việc cân đối tài chính của ngành; có nguy cơ mất nhiều thị trường bán than xuất khẩu.

Ngoài ra, khi sản lượng giảm thì các loại thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế xuất khẩu đóng cho nhà nước cũng giảm mạnh.

Việc tăng thuế xuất khẩu than có phải là nguyên nhân khiến cho ngành than tiếp tục đề nghị tăng giá bán cho ngành điện, thưa ông?
Sau khi được điều chỉnh giá bán than cho điện từ ngày 20/4/2013 thì giá bán than cho điện hiện nay cũng chỉ bằng 85-87% giá thành kế hoạch năm 2013 (tùy từng chủng loại). Như vậy, theo kế hoạch năm 2013 mà các bộ đã rà soát và cân đối tài chính của Vinacomin năm 2013 với điều kiện giá than cho điện được điều chỉnh từ ngày 1/1/2013, thuế xuất khẩu than là 10%, thì việc điều chỉnh này chậm 3 tháng 20 ngày.

Không những vậy, Vinacomin đã phải bù giá than cho ngành điện trên 1.800 tỷ đồng do sản lượng than tiêu thụ cho điện những tháng đầu năm tăng cao.

Trong khi đó, việc khai thác than ngày càng khó khăn hơn với các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động... cũng tăng theo. Vinacomin đã có nhiều biện pháp tăng năng suất, giảm giá thành, thậm chí từ năm 2012, 2013 đã phải giảm tiền lương, cắt giảm biên chế nhiều bộ phận nhưng chỉ mang tính tạm thời, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành than, nguy cơ thiếu lao động cho sản xuất, cơ sở hạ tầng, môi trường,...bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các loại thuế, phí liên tục điều chỉnh tăng làm cho tổng chi phí trong giá thành tăng. Riêng thuế tài nguyên đối với than tăng từ 230 tỷ đồng năm 2007 lên 3.120 tỷ đồng năm 2012 (gấp 13,5 lần do tăng thuế suất từ 1-2% lên 5-7% và tăng giá tính thuế); Từ năm 2012 bổ sung thuế môi trường 20.000 đ/tấn, phí môi trường địa phương thu tăng từ 6.000 lên 10.000 đồng/tấn.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với than xuất khẩu, từ năm 2008 trở về trước (10 năm liền) than xuất khẩu được hoàn thuế GTGT; từ năm 2009 không được hoàn thuế GTGT đầu vào, lăm tăng chi phí khoảng 150 nghìn đồng/tấn than xuất khẩu; thuế xuất khẩu than 10% hiện nay thuộc nhóm nước có thuế suất cao nhất thế giới.

Vì vậy, việc điều chỉnh giá than cho điện là theo lộ trình đã được các bộ, ngành và Chính phủ xem xét, xác định từ nhiều năm nay nhằm để đảm bảo ngành than bù đắp chi phí, tiến tới có lãi để đầu tư phát triển.

Việc tăng thuế xuất khẩu nhiều chủng loại than sẽ làm tăng giá bán tương ứng để sau khi trừ thuế ngành than không bị lỗ. Do đó, sản lượng than tiêu thụ sẽ bị giảm mạnh. Điều này sẽ dẫn tới các khó khăn như nêu ở trên, chứ không phải là nguyên nhân đề nghị tăng giá than cho điện.

Ông có lo ngại những hiệu ứng từ trong dư luận khi nhiều doanh nghiệp lớn cùng tăng giá bán sản phẩm đầu ra trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn?

Việc điều chỉnh giá bán điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động theo từng thời điểm, không chỉ riêng giá bán than cho điện. Do đó, cũng không nhất thiết phải gắn điều chỉnh ngay giá điện, giá than cùng với nhau.

Hơn nữa, thời điểm điều chỉnh giá than, giá điện, các Bộ còn xem xét và đảm bảo cân đối chung thích hợp cho từng ngành nhằm không gây tác động xấu đến thị trường cũng như nền kinh tế.

Nguồn VnMedia


Sự kiện