Ngành sữa Việt đang làm gì để thích ứng với TPP?
Trước thềm TPP đang đến gần, nhiều doanh nghiệp sữa Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn sang các thị trường mới. Đây là một bước đi cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh trước các gã khổng lồ quốc tế đang chuẩn bị tiến vào Việt Nam một khi TPP chính thức có hiệu lực.
Tại Việt Nam, nhu cầu về sữa đang ngày một tăng cao do khả năng chi tiêu của 90 triệu người dân ngày càng được cải thiện. Theo ước tính của Euromonitor, thị trường sữa tại Việt Nam trong năm 2013 cỏ tổng trị giá 2,8 tỷ USD và trong năm nay có thể tăng 46% lên mức 4,1 tỷ USD. Lợi nhuận của các công ty sữa nội cũng vì thế mà đạt tăng trưởng mạnh, nhưng các công ty này cũng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của thị trường.
Như vậy, các hãng sữa khổng lồ Fonterra của New Zealand và Saputo của Canada hoàn toàn có thể chiếm lĩnh được thị phần tại Việt Nam với nhiều sản phẩm mới và mức giá rẻ hơn, một khi TPP đã có hiệu lực. Hiện tại, có tới gần 3/4 lượng sữa được tiêu thụ tại Việt Nam là đến từ các nguồn nhập khẩu.
Chính vì vậy, nhiều công ty sữa Việt đang dần thay đổi chiến lược kinh doanh bằng cách mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đồng thời tận dụng các hiệp định để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Một chiến lược khác là tích cực khai phá các thị trường ngách tại sân nhà, để giảm thiểu các rủi ro một khi TPP có hiệu lực.
"TPP chắc chắn là một thách thức lớn, khi nhiều nhà đầu tư mang tầm cỡ quốc tế thâm nhập vào thị trường và các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ... Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự chuẩn bị trong vòng 5 năm qua", phó chủ tịch Hoàng Công Trang của tập đoàn TH Group chia sẻ.
Sau khi đầu tư đến 1,2 tỷ USD vào phát triển các dự án trong nước, tập đoàn TH gần đây đã tuyên bố đầu tư 2,7 tỷ USD vào chuỗi sản xuất khép kín tại Nga, bao gồm trang trại bò sữa, nhà máy và kênh phân phối.
"Thị trường tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển và thị trường tại Nga cũng vậy", ông Trang đánh giá về thị trường.
Công ty sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk cũng cho biết công ty đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở nước ngoài, với 30 triệu USD đầu tư tại Mỹ, New Zealand và Campuchia. Một khoản đầu tư 3 triệu USD vào Ba Lan cũng được xem là cánh cửa để chuẩn bị tiến vào thị trường EU một khi hiệp định FTA với khối này có hiệu lực.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thì lựa chọn cách tập trung vào thị trường nội địa. Trong năm nay, tập đoàn này đã rót vào 1,1 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp, và mảng chăn nuôi bò cũng được dự kiến sẽ đem lại khoảng 1/2 doanh thu cho cả tập đoàn.
Các công ty có quy mô vừa và nhỏ cũng đang nỗ lực để chuyển hướng kinh doanh , trong đó việc thành lập các hợp tác xã sản xuất sữa tươi, mô hình từng thành công tại New Zealand.
"Các công ty nước ngoài sẽ phải chịu chi phí vận chuyển và bảo quản cao hơn khi vào thị trường Việt Nam, nên tôi tin rằng hoàn toàn có thể cạnh tranh với họ về mặt hàng sữa tươi", ông Trần Công Chiến hiện là Tổng giám đốc kiêm chủ tịch công ty sữa Mộc Châu cho biết.
Đinh Hạnh
Nguồn Reuters