Ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng mạnh nhất hai năm
Theo báo cáo Market Pulse mới nhất được công bố bởi Nielsen, trong quý cuối cùng của năm 2015, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố chính của Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực với mức tăng trưởng 5,7%, chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng đạt mức 4,9%. Thống kê của công ty đo lường này cũng cho thấy tăng trưởng trong quý IV/2015 đạt mức tăng mạnh nhất trong hai năm qua.
Theo báo cáo này của Nielsen, sự phục hồi tích cực này xảy ra ở hầu hết 7 ngành hàng lớn (thức uống - bao gồm cả bia, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé). Ngành hàng đồ uống tiếp tục đạt mức tăng trưởng ổn định với mức tăng 7,7% sản lượng, đóng góp 38% vào tổng doanh số của toàn ngành hàng FMCG. Quý IV/2015 cũng chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của ngành hàng thực phẩm và sữa (mức tăng sản lượng đạt 0,9% và 3,7%). Các ngành hàng cũng cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi. Duy chỉ có ngành hàng chăm sóc cá nhân vẫn thể hiện sự trì trệ.
“Mặc dù ngành hàng FMCG trong quý 4 tiếp tục phục hồi sự tăng trưởng, nhưng thị trường đã không còn trông chờ vào sự tăng trưởng đạt mức 2 chữ số nữa. Sự biến đổi liên tục của thị trường đã mang đến cho các nhà sản xuất nhiều thách thức để đưa ra quyết định kịp thời nhằm nắm bắt những cơ hội trên thị trường để giúp tăng trưởng lợi nhuận cho công ty”, theo quan sát của chị Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ Nielsen.
Điều đáng nói, doanh số của ngành hàng FMCG tại khu vực nông thôn trong năm qua đạt mức tăng trưởng đầy ý nghĩa 5,5%. Cộng đồng nông thôn ở Việt Nam chiếm 68% của 90 triệu dân và hiện nay chiếm 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn. Hơn nữa, cư dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua, Nielsen nhận định.
Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định.
Nhật Duy