Năm 2023, ngành dừa Việt Nam dự kiến xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỉ USD.Ảnh: Thanh Hòa
Ngành dừa Việt Nam "bứt phá"
Tại tọa đàm mới đây, đại diện của Cộng đồng Dừa Quốc tế (ICC) cho biết dừa Việt Nam có năng suất và chất lượng cao nhất trên thế giới. Hiện nay, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 190.000 ha. Trong đó có 7.000 ha dừa đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt, các sản phẩm dừa có tiềm năng phát triển rất lớn trong xu hướng tiêu dùng xanh. Chính phủ đã có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thực thi giảm thiểu, thay thế đồ nhựa sử dụng một lần, hướng tới tiêu dùng xanh. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa một lần. Đây là một lợi thế lớn cho cây dừa và các sản phẩm từ dừa như: đũa, muỗng, đồ gia dụng gia đình, chế biến món ăn, mỹ phẩm…
Tốc độ tăng trưởng của ngành đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10% một năm. Ảnh: Betrimex |
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi đã có thâm niên gần 20 năm khai thác, sản xuất các sản phẩm từ cây dừa, vỏ dừa, gáo dừa phục vụ cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi xây dựng, môi trường, trang trí mỹ nghệ và tiêu dùng... Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Kim Bôi cho biết, các sản phẩm của công ty rất được ưa chuộng tại thị trường các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Hiện nay sản phẩm của Công ty đã được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Hùng cho biết, trước đây, phần vỏ dừa, gáo dừa… hầu như chỉ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí phải tốn nhiều chi phí để xử lý. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu này để đưa vào sản xuất không những giúp giảm bớt lượng rác thải ra môi trường cũng như chi phí xử lý mà còn tạo thu nhập cho người dân trong việc thu gom, sơ chế, sản xuất sản phẩm.
Tương tự, Công ty Cổ phần Trà Bắc cũng đang sản xuất nhiều sản phẩm từ dừa, trong đó sản phẩm chủ lực là than hoạt tính làm từ gáo dừa dùng trong lọc nước, lọc không khí. Hiện 70% sản lượng sản xuất được xuất khẩu đi các thị trường EU, Nam Mỹ, châu Á với sản lượng khoảng 6.000-6.500 tấn/năm, với mức giá 1.800 USD/tấn.
Nhiều công ty khẳng định sản xuất xanh giúp họ tăng khả năng cạnh tranh. Bà Huỳnh Thị Cẩm Xuyên, đại diện Công ty Green Coco Foods (Bến Tre), dẫn chứng Công ty chuyên sản xuất dừa hữu cơ xuất khẩu các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ. Vì vậy, Công ty phải hướng vào sản xuất xanh để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.
Tuy vậy, để sản xuất dừa hữu cơ đạt chứng nhận EU, USDA phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Đó là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đất canh tác được chuyển đổi hữu cơ 3 năm, thiết lập vùng đệm để bảo vệ vùng trồng hữu cơ... Muốn làm được điều này phải đầu tư mạnh vào quy trình sản xuất khép kín, tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe của các nước. Đặc biệt, Công ty phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại cũng như sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ nhà máy. Nhờ đáp ứng các tiêu chí trên, khách hàng tin tưởng đặt mua sản phẩm của Công ty.
“Chúng tôi đã tối ưu được các phụ phẩm từ dừa, qua đó vừa giúp tăng giá trị hàng phụ phẩm vừa giảm được giá thành hàng chính phẩm và nâng cao đời sống của người dân. Tóm lại mô hình này giúp nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt so với hàng hóa các nước, nhất là trong bối cảnh lạm phát toàn cầu”, bà Xuyên đánh giá.
Hiệp hội Dừa Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10% một năm. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao, như kem, nước, dầu và thạch dừa tăng 15-36%. Đặc biệt, các sản phẩm sạch có nguồn gốc thực vật dù phải trả giá cao, người tiêu dùng vẫn chịu chi.
Việt Nam hiện có 92 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu. Năm 2023, ngành dừa dự kiến xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỉ USD.
Có thể bạn quan tâm:
Việt Nam sẽ thu được 200 triệu USD/năm nhờ mức hấp thụ carbon của rừng