Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam vào tốp 10 thế giới
Mục tiêu 20 tỷ USD
Với tốc độ phát triển bình quân 2 con số liên tục nhiều năm (năm 2013 là 19% với 5,7 tỷ USD), dự kiến năm nay sẽ là 6,5 tỷ USD, chỉ tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020 của ngành chế biến gỗ XK Việt Nam là điều khả thi.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Đồ gỗ Scansia Pacific, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), những quốc gia cạnh tranh trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan vẫn còn khoảng cách khá xa và khó có thể vượt qua Việt Nam dù được nhà nước ưu đãi đầu tư. Những nước có rừng nguyên liệu như Campuchia, Lào lại chưa thể xây dựng ngành công nghiệp chế biến gỗ, nếu có là Myanmar.
Ngành hàng chế biến gỗ có năng suất lao động khá cao, mỗi lao động tạo ra 18.300USD/năm, so với 13.900USD/lao động/năm ngành giày dép, 8.900USD/lao động/năm ngành thủy sản và 7.100USD/lao động/năm ngành dệt may.
Điều đáng nói, sự phát triển của ngành hàng này kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ như keo dán gỗ, dầu màu, vật liệu kim khí, bao bì và chèn lót, giấy nhám với doanh số hàng năm trên 1,7 tỷ USD (nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm 30%).
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chế biến gỗ là một trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ XK và có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Báo cáo "Công nghiệp nhẹ Việt Nam: Tạo việc làm và triển vọng nền kinh tế thu nhập trung bình" của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, đây là ngành có tiềm năng lớn, học hỏi nhanh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thị trường lớn và đa dạng.
Năm 2013, tổng tiêu thụ thế giới về gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 400 tỷ USD, thị phần ngành gỗ Việt Nam là 5,7 tỷ USD (chỉ chiếm 1,2%). Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa phân tích, cơ hội cho ngành chế biến gỗ còn rất lớn, bên cạnh thị trường XK lên đến 120 nước, thị trường nội địa với hơn 90 triệu người, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm - là một thị trường hấp dẫn tại chỗ.
Với sự phục hồi kinh tế, nếu khai thác tốt thị trường nội địa, có thể doanh số tiêu thụ nội địa sẽ lên đến khoảng 2 tỷ USD/năm. Vì vậy, Hawa đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa ngành hàng này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện phát triển, hướng đến mục tiêu đạt 20 tỷ USD kim ngạch XK/năm.
Bên cạnh sự phát triển nền công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ, còn kích thích việc trồng rừng kinh tế, với 3,4 triệu ha, khai thác hàng năm 15 triệu m3 gỗ tròn, giảm dần lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Khắc phục hạn chế
Hiện nay, ngành chế biến gỗ vẫn đang đối diện không ít hạn chế và thách thức.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho rằng, ngành chế biến gỗ có sự phát triển mạnh mẽ những năm qua, kim ngạch XK tăng nhanh, nhưng lợi nhuận và giá trị gia tăng sản phẩm đồ gỗ chưa cao do chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ chủ yếu là nhập khẩu, giá trị gia tăng sản phẩm XK thấp.
Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, so với Trung Quốc, nước chiếm vị thế số 1 về XK gỗ, chi phí lương ở Trung Quốc chỉ chiếm 14% doanh thu, trong khi Việt Nam gần 20%. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra hạn chế, một lao động Việt Nam làm ra 1,9 sản phẩm ghế/ngày, ở Trung Quốc là 4,5 sản phẩm; kinh nghiệm quản lý và chương trình đào tạo cho công nhân còn hạn chế; công suất sử dụng thấp.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, 96% doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô nhỏ, ít vốn (93% dưới 29 tỷ đồng/DN), đầu tư chưa thỏa đáng, tỷ suất lợi nhuận trung bình chưa cao; chưa có chính sách marketing nhất quán về sản phẩm như phân khúc thị trường; chiến lược về vật liệu và sử dụng nguyên liệu trong nước; việc hợp tác phân công giữa các DN còn yếu, không thể tạo thành sức mạnh để nhận những đơn hàng lớn.
Và điều quan trọng không thể thiếu là chưa có chính sách, chiến lược sản phẩm quốc gia để có cơ chế khuyến khích đầu tư. Trong khi đó, vẫn còn không ít người có quan điểm, ngành chế biến gỗ gắn với nạn phá rừng!
Thực tế, khoảng 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước lại thuộc về các công ty đa quốc gia, công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, trên thị trường nội địa, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang bị lấn át bởi sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất theo mẫu mã nhập từ nước ngoài như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…
Vì vậy, cần nhanh chóng có chính sách tổng thể của Nhà nước như khuyến khích đầu tư vào ngành bằng chính sách thuế, khuyến khích XK, tiếp cận dễ hơn các nguồn tài chính, tín dụng ưu đãi; hình thành các khu hay cụm công nghiệp chế biến gỗ. Ngoài ra, khuyến khích kết nối DN FDI với các DN trong nước để tận dụng kinh nghiệm thị trường của các DN này.
Nguồn Sài Gòn giải phóng