Thứ Bảy | 04/10/2014 12:37

Ngành cao su Thái Lan: Khó khăn vẫn còn ở phía trước

Ngành cao su Thái Lan được dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với thời kỳ khó khăn trong vài năm tới khi vẫn phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu.
Thái Lan xuất khẩu 87% sản lượng cao su và chỉ tiêu thụ nội địa 13%.

Aat Pisanwanich, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết, thị trường nhập khẩu chính của cao su Thái Lan, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu cao su do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhất là EU.

Trung Quốc cũng đã thay đổi chính sách kinh tế tập trung nhiều hơn vào đầu tư và tiêu thụ nội địa thay vì chú trọng vào xuất khẩu.

Hôm 1/10 Bộ Thương mại Thái Lan cho biết xuất khẩu cao su tháng 8 của nước này giảm 23% xuống 441 triệu baht và xuất khẩu 8 tháng giảm 20% xuống 4,215 tỷ baht.

Giá cao su hiện ở mức 40-45 baht/kg và dựa vào những yếu tố hiện tại, dự đoán sẽ tăng lên 60 baht/kg, ông Aat cho biết.

Chính phủ và các ban ngành liên quan sẽ nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và giảm xuất khẩu.

Ông Aat đã đề xuất chính phủ đẩy nhanh hỗ trợ tài chính cho các hợp tác xã cao su nhằm thành lập các nhà máy chế biến cao su cũng như tìm thị trường mới. Hiện cần 100-200 triệu baht để thành lập nhà máy sản xuất sản phẩm như găng tay cao su thông thường – vốn không cần công nghệ cao như sản xuất găng tay y tế.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết giải quyết vấn đề của ngành cao su cần có thời gian nhưng đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.

Thái Lan đã áp dụng việc khoanh vùng nông nghiệp gồm 6 loại cây trồng – gạo, sắn, mía đường, ngô, cao su và cọ dầu.

Nông dân sẽ nhận được các hỗ trợ để phát triển giống cây trồng phù hợp nhất với vị trí địa lý trong khi những người không tuân theo hướng dẫn sẽ không nhận được trợ cấp.

Ông Aat cho biết chính sách khoanh vùng sẽ giúp giải quyết vấn đề của ngành cao su khi chính phủ cần tăng năng suất từ 270 kg/rai (0,16 ha) lên 300 kg/rai thay vì mở rộng diện tích.

Nguồn Theo DVO/Bernama


Sự kiện