Ảnh: Vietnamfinance.
Nếu bỏ qua thị trường Trung Quốc, động lực tăng trưởng của Vinamilk là gì?
Có thể nói, đối với các ông lớn như Vinamilk, bài toán về tăng trưởng là một bài toán khó. Khi nhu cầu sữa trong nước bắt đầu chững lại, Vinamilk dường như đã tìm được động lực tăng trưởng mới từ thị trường Trung Quốc.
Đối với Vinamilk, việc Vinamik nằm trong số 5 nhà sản xuất sữa trong nước đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm sữa sang Trung Quốc (Vinamilk, TH True Milk, Sữa Mộc Châu, Nutifoods và Hanoimilk) được giới chuyên gia đặt kỳ vọng sẽ đóng góp trong tăng trưởng của doanh nghiệp này.
Theo đánh giá của SSI Research, Trung Quốc là một thị trường cạnh tranh cao nhưng rất hấp dẫn, chỉ cần chiếm một phần nhỏ trong thị trường 60 tỷ USD này cũng có thể rất có ý nghĩa cho tăng trưởng trong tương lai của các công ty sữa Việt Nam.
Tăng trưởng giá trị tiêu thụ sản phẩm từ sữa tại Việt Nam có xu hướng chững lại. Nguồn: SSI. |
Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2020 vừa qua, chúng ta đón nhận thông tin về dịch viêm phổi cấp bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Bên cạnh những thiệt hại về người về kinh tế đối với nước “tâm bệnh” thì những nền kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng. Đối với Việt Nam, điều này có tác động rất lớn đến những doanh nghiệp có mối giao thương với Trung Quốc.
Vậy đối với Vinamilk, nếu bỏ qua những đóng góp của thị trường Trung Quốc thì câu chuyện tăng trưởng của “vua sữa” còn lại gì?
Trong báo cáo hồi tháng 11/2019 của mình, SSI Research, bộ phận phân tích thuộc CTCP Chứng khoán SSI (SSI) kỳ vọng việc ra mắt sản phẩm mới, thị trường xuất khẩu tiềm năng ở Trung Quốc và thương vụ mua lại thành công Sữa Mộc Châu là 3 động lực tăng trưởng chính trong tương lai của Vinamilk. Như vậy, nếu bỏ qua Trung Quốc, Vinamilk vẫn còn 2 động lực từ sản phẩm mới và từ thương vụ M&A.
Theo thông tin của SSI Research, Vinamilk đã ra mắt 17 SKU mới trong 9 tháng đầu năm 2019, bao gồm sữa bột Organic Gold, ngũ cốc trẻ em, sữa chua, thức uống năng lượng và trà sữa Happy,...
SSI Retail Research dẫn lời Ban lãnh đạo của Vinamilk, trong khi sữa công thức Organic Gold là một trong những sản phẩm cao cấp nhất trên thị trường (như Meiji, Aptamil hoặc Similac IQ Plus của Abbott), thức uống lúa mạch ca cao là để cạnh tranh với Milo và đã nhận được phản hồi tích cực.
Theo Vinamilk, công ty đang thực hiện cao cấp hóa sản phẩm và phát triển các sản phẩm hữu cơ như sữa tươi, sữa công thức và sữa chua từ nguồn sữa tươi hữu cơ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trong khi nhập khẩu sữa bột hữu cơ từ Mỹ (thông qua Driftwood), Vinamilk cũng thuê sản xuất gia công tại Nhật Bản sản phẩm sữa công thức cho trẻ em dưới nhãn hiệu “Vinamilk Yoko Gold”, và nhập khẩu trở lại Việt Nam để phục vụ thị hiếu ưa chuộng sữa công thức Nhật của các bà mẹ Việt Nam. Những động thái này cho thấy Vinamilk đã tích cực tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khai thác nhu cầu rộng hơn từ người tiêu dùng nhằm mục đích cuối cùng là tăng doanh thu.
Còn đối với thương vụ mua lại CTCP GTNFoods (HoSE: GTN). Hồi cuối tháng 12/2019, Vinamilk đã hoàn tất mua lại 75% vốn cổ phần tại GTNFoods, ước tính Vinamilk đã chi ra tổng cộng 3.450 tỷ đồng cho thương vụ này. Lợi thế thương mại từ giao dịch này là 1.570 tỷ đồng. SSI Research đánh giá việc mua lại thành công Sữa Mộc Châu sẽ hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của Vinamilk.
Trong năm 2019 Vinamilk đạt hơn 56.300 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 10.500 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 7,1% và 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
SSI Research lưu ý rằng sau thương vụ với GNT, Vinamilk bắt đầu hợp nhất GTN như một công ty con trong khoảng10 ngày cuối của quý IV/2019. SSI Research ước tính, trong năm 2020, Vinamilk sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 8,1% và 6,9% so với năm 2019.
►Động lực nào cho sự tăng trưởng của Vinamilk?
►Vinamilk đã chi ra bao nhiêu tiền để thâu tóm 75% cổ phần GTNFoods?