Nền kinh tế tuần hoàn cho hàng điện tử. Ảnh: ewastecontrol.

 
Văn Quốc Thứ Hai | 30/11/2020 13:30

Nền kinh tế tuần hoàn cho hàng điện tử

Khai thác kim loại từ rác điện tử là chiến lược win-win, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu.

Tại một “mỏ kim loại” của Giáo sư Veena Sahajwalla ở Sydney, các robot đang khai thác vàng, bạc, đồng... không phải từ đá mà từ tivi, máy tính, điện thoại cũ. Gọi nhà máy siêu nhỏ của bà Sahajwalla là “mỏ” cũng không sai vì lượng kim loại quý thu hồi được thậm chí còn nhiều hơn cả các mỏ tự nhiên dưới lòng đất. Nhiệm vụ của robot là nhận diện và chia tách các phần hữu dụng từ rác điện tử. Thu hoạch là không nhỏ: từ 1 tấn điện thoại di động (tương đương 6.000 chiếc), các robot có thể thu hồi được 130 kg đồng, 3,5 kg bạc, 340 gram vàng và 140 gram paladi.

Giáo sư Sahajwalla và nhóm của bà đến từ Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu các vật liệu bền vững (SmaRT) không chỉ giúp giải quyết nỗi đau đầu lớn của Úc (và cũng là nỗi đau đầu của các nước phát triển khác kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải), mà còn biến rác điện tử trở thành một ngành mới, sinh lợi. Kế hoạch của bà Sahajwalla là nhân rộng mô hình nhà máy siêu nhỏ khắp nước Úc nhằm khai thác nguồn tài nguyên quý giá ngay tại nguồn: các bãi rác địa phương.

 

Trong mắt của Giáo sư Sahajwalla, rác điện tử là một lựa chọn giàu có thay thế cho ngành khai khoáng truyền thống: chỉ 1 tấn rác điện tử đã chứa lượng vàng (chưa kể các kim loại quý khác) nhiều hơn 17 tấn quặng. Rác điện tử có mức độ tập trung kim loại quý gấp hơn 50 lần so với các quặng được khai thác trên trái đất. Và có tới 17 kim loại khác nhau có thể được thu hồi từ rác điện tử như vàng, bạc, bạch kim, đồng, thiếc, antimon... Đây rõ ràng là một chiếc bánh béo bở cho những người tham gia, giữa lúc chi phí khai thác đang giảm nhanh nhờ các cải tiến về công nghệ và hệ thống thu gom cũng như lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

Một doanh nghiệp đang tích cực khai thác “mỏ vàng” này là Umicore, một công ty tái chế và công nghệ vật liệu của Bỉ, chuyên thu hồi vàng, bạc, đồng, lithium và các khoáng sản khác từ điện thoại di động bỏ đi. Umicore hiện là một trong những người chơi lớn nhất trong một ngành mới đầy tiềm năng, giúp tái chế một phần trong 62,5 tỉ USD giá trị rác thải điện tử được tạo ra mỗi năm, gấp khoảng 3 lần giá trị sản xuất thép hằng năm của thế giới. Máy tính, thiết bị di động và các sản phẩm điện tử khác sử dụng lên tới 320 tấn vàng và hơn 7.500 tấn bạc mỗi năm, theo Global e-Sustainability Initiative. Vì thế, hoạt động khai thác mỏ truyền thống để phục vụ cho ngành sản xuất điện tử cũng gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường.

Do đó, sự trỗi dậy của ngành khai thác mỏ từ rác điện tử cho thấy cách nền kinh tế tuần hoàn có thể thay thế nền kinh tế tuyến tính, làm thay đổi cách con người tiêu thụ nguyên vật liệu và giảm tác động tiêu cực mà quá trình tiêu thụ đó gây ra cho hành tinh.

Ảnh: vietnamese.googleblog.com.
Ảnh: vietnamese.googleblog.com.

Jeevesh Kumar, CEO Greenscape Eco Management, nhận xét: “Chỉ mới vài năm trước, không ai nghĩ rằng khai thác mỏ sẽ được thực hiện ngay trên chiếc điện thoại và thiết bị sạc mà chúng ta sử dụng. Rác thải được thiêu ở bãi chôn rác góp phần làm trầm trọng tình trạng biến đổi khí hậu. Nay khai thác mỏ từ rác điện tử đã trở thành một ngành khổng lồ. Hầu hết các doanh nghiệp làm việc trực tiếp với những thương hiệu di động thu gom rác điện tử và chuyển chúng đến các công ty tái chế rác điện tử. Thậm chí khách hàng ngày càng ý thức hơn về tái chế. Đang có sự thay đổi về tư tưởng và toàn bộ bức tranh sẽ đổi màu trong thập niên tới”.

Điều này giải thích cho sự tăng mạnh gần đây về số lượng startup và công ty tái chế rác điện tử, trong đó có Scraptap. Deepak Maurya, nhà sáng lập Scraptap, cho biết: “Chúng tôi làm việc với các tổ chức phi chính phủ để nâng cao nhận thức của công chúng và tăng cường thu gom rác điện tử từ người dân. Chúng tôi muốn giúp mọi người giảm lượng phát thải của mình”. Maurya cũng cho rằng đây sẽ là một ngành rất lớn. “Sẽ có nhiều sản phẩm điện tử hơn được ra mắt và người ta mua thiết bị mới thường xuyên hơn. Trong 15 năm tới, sẽ có 3 tỉ người tiêu dùng mới muốn mua thiết bị điện tử. Và sẽ có nhiều rác điện tử hơn cần được tái chế”, ông nói thêm.

Ngày càng nhiều công ty cũng ý thức hơn về vấn đề rác điện tử. Mục tiêu của họ là không chỉ bán sản phẩm mà còn đảm bảo sản phẩm của họ được tái chế đúng cách ở cuối vòng đời. Volkswagen đang xây dựng một nhà máy tái chế pin với mục tiêu tái chế 97% nguyên vật liệu trong pin xe điện, tăng từ mức 53% hiện nay. Apple cũng nhắm đến sản xuất sản phẩm từ vật liệu tái chế. Hãng này thậm chí thử nghiệm robot để tháo rời những chiếc iPhone đã qua sử dụng.

 

Các công ty xem trọng việc này một phần bởi vì người tiêu dùng của họ ngày càng ý thức hơn về tái chế. Anoop Keshari, một cư dân ở Varanasi, Ấn Độ đã cất giữ 8 chiếc điện thoại cũ và thiết bị sạc và đang tìm một công ty để đưa chúng đi tái chế. “Tôi không muốn tăng thêm lượng phát thải. Tôi thậm chí giữ những chiếc tai nghe bluetooth và loa. Thay vì quăng thùng rác, tôi gom lại để mang đi tái chế. Tôi cũng kêu gọi bạn bè làm như vậy”, ông nói.

Dù nỗ lực tái chế tăng mạnh trong vài năm gần đây, nhưng con đường đi đến nền kinh tế tuần hoàn cho hàng điện tử vẫn còn xa. Năm ngoái, có tới 53,6 triệu tấn rác điện tử trên toàn cầu, tăng 21% chỉ trong 2 năm, theo báo cáo Global E-waste Monitor 2020 của Liên Hiệp Quốc. Ước tính đến năm 2030, con số này sẽ là 74 triệu tấn. Nhưng cũng trong năm 2019, chỉ 17,4% rác điện tử trên thế giới được thu gom và tái chế đúng cách, nghĩa là 44,3 triệu tấn rác điện tử, trị giá 57 tỉ USD, vẫn còn ở bãi chôn rác, hoặc bị đốt hoặc được giao dịch bất hợp pháp.

Kết quả là chuỗi cung ứng thế giới đã bị thất thoát rất lớn một nguồn tài nguyên quan trọng và quý giá, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường và các vấn đề xã hội qua việc vận chuyển lậu rác thải sang các nước đang phát triển. Agbogbloshie tại Ghana từng là một vùng đất hoang dã xinh đẹp, nhưng nay là nơi tập kết lớn nhất thế giới các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng từ châu Âu và các nước khác. Những gia đình nghèo tại đây làm việc trong điều kiện nguy hiểm và độc hại khi tái chế bằng tay vật liệu từ rác thải điện tử.

Vì thế, có rất nhiều việc phải làm để phát triển một nền kinh tế tuần hoàn cho hàng điện tử, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn thiếu cơ chế pháp lý để xử lý rác điện tử. Tại EU, khung pháp lý sửa đổi đối với rác thải nhắm đến giảm 65% rác thải đô thị vào năm 2035. Nhưng dù có các quy định quản lý xuất khẩu rác điện tử, tại EU, ước tính vẫn có 1,3 triệu tấn rác điện tử được xuất khẩu bất hợp pháp mỗi năm.

Đặc biệt, ý thức của người tiêu dùng được xem là mấu chốt trong nỗ lực tái chế rác điện tử. Giáo sư John Mathews thuộc Đại học Macquarie (Úc) cho rằng: “Một trong những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho rác điện tử là trả một khoản tiền cho người tiêu dùng gửi lại sản phẩm điện tử không còn sử dụng cho các trung tâm thu gom rác. Cũng có thể đưa ra một số sáng kiến khuyến khích nhà sản xuất để họ sản xuất sản phẩm sao cho dễ tháo rời hơn”
 

Nguồn Tổng hợp