Thứ Sáu | 31/01/2014 00:10

Năm 2014, bán lẻ trực tuyến - thương mại điện tử Việt Nam sẽ bùng nổ

Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - bà Đinh thị Mỹ Loan với thị trường bán lẻ trong năm mới.
Dù năm 2013 là năm cực kỳ khó khăn và đầy thử thách đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng, nhưng sang năm 2014, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá là phát triển cực mạnh và có quyền nhìn xa hơn về tương lai.

Nhân dịp đầu năm Giáp Ngọ, Sống Mới đã có cuộc trao đổi đầu Xuân với bà Đinh Thị Mỹ Loan về những thay đổi của thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2013 và những xu hướng phát triển của 2014.

Là Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà đánh giá tình hình bán lẻ ở Việt Nam năm 2013 ra sao?
Bà Mỹ Loan: Đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng, năm 2013 là một năm cực kỳ khó khăn và đầy thử thách. Đây là năm thứ 6, Ngân hàng thế giới nhận định Việt Nam rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng, sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm và yếu.

Điều dễ nhận thấy là nhu cầu của thị trường giảm do sức mua giảm, thu nhập thực tế của người dân tăng thấp … Điều đáng lo ngại là người Việt không chỉ tiêu dùng yếu đi, mà còn phải bị sử dụng phải những loại hàng hóa độc hại và kém chất lượng, nhưng có giá rẻ ... có xuất xứ từ Trung Quốc và hàng lậu, hàng giả … từ một số nước khác đang chiếm không gian không nhỏ trên các sạp chợ hoặc tại các cửa hàng nhỏ lẻ, nhất là ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, một loạt mặt hàng/dịch vụ do nhà nước quản lý và kiểm soát như điện, nước, xăng dầu, 3G … lại thi nhau tăng giá làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất cũng như làm giảm sức mua của người dân.

Thế nhưng, điều may mắn là trong tình hình không mấy khả quan của kinh tế năm 2013, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn không nản lòng. Thậm chí, ngành công nghiệp bán lẻ đã kết thúc một năm với những kết quả đáng ghi nhận.

Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2013 đạt 2.617.963 tỷ ĐVN, tăng 12,6 % so với năm 2012 (5,6 % sau loại trừ tăng giá). Mức tăng trưởng này tuy có thấp hơn các năm trước đây (thường tăng ở mức 2 con số), nhưng vẫn thuộc loại khá so với các ngành công nghiệp khác.

Còn so với các quốc gia Đông - Nam Á, Việt Nam cũng có mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ cao trong 2 năm gần đây. (Nguồn: EIU). Hiện Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và có tốc độ phát triển hàng năm khá cao so với các nước trong khu vực.

Vậy có nghĩa là kinh tế dù khó khăn nhưng lại chính là cơ hội tốt để phát triển đối với các nhà bán lẻ Việt Nam?
Bà Mỹ Loan: Đúng như vậy, điểm nổi bật trên thị trường bán lẻ Việt Nam là năm 2013 đã đánh dấu sự nỗ lực và quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ và tăng chất lượng dịch vụ trong cả hệ thống phân phối - bán lẻ hiện đại cũng như bán lẻ truyền thống. Điều này được thể hiện rõ qua hoạt động mở rộng hoặc khai trương địa điểm mới của các thành viên Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và doanh nghiệp trong ngành với các thương hiệu nổi tiếng như Coop Mart, Phú Thái, HaproMart, SatraMart, Fivimart, Maximark, Citimart, OceanMart, BigC; VincomKC, Lan Chi… chuyên về bán lẻ tổng hợp.

Ngoài ra còn có các nhà bán lẻ chuyên doanh như SJC, Mobile World, Viễn thông A, Fahasa, VinatexMart, PNJ…, các trung tâm điện tử - điện máy như Nguyễn Kim, HC, Topcare, Kangaroo, Trần Anh, Pico, MediaMart…, trung tâm mua sắm Vincom, Diamond, Tràng Tiền, Parkson, Saigon Paragon, RoyalCity … Đặc biệt, các chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng ồ ạt phát triển với Co.op Food, Hapro Food, Shop & Go, Circle K, Famaly Mart…

Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối-bán lẻ của các nhà sản xuất: Unilever VN, Vinamilk, Tôn Hoa Sen, May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Vina Giầy, Bitis, Điện Quang, VPP Hồng Hà… hoạt động rất hữu hiệu. Đi cùng với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của bán lẻ hiện đại, hơn 9000 chợ các loại cùng các cửa hàng, tiệm tạp hóa nhỏ lẻ của hệ thống bán lẻ truyền thống cũng phát triển và thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh, tạo nên bức tranh đa dạng cho ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2013.

Theo bà, xu hướng bán lẻ năm 2014 sẽ phát triển theo hướng nào?

Bà Mỹ Loan: Bước vào năm 2014 và nhìn xa hơn về tương lai, có thể thấy một số xu hướng phát triển chính sau:
1/ Bán lẻ hiện đại vẫn tiếp tục phát triển mạnh và đa dạng
Kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mới chiếm khoảng 25% (năm 2013) nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn ở mức khá thấp (Philippines 33%; Thái Lan 34%; Trung Quốc 51%; Malaysia 60%; Singapore 90% …)

Đây là kênh bán lẻ được người tiêu dùng ưa thích nhiều hơn và là kênh tiêu dùng ngày càng quan trọng, được coi là động lực phát triển của thị trường.

Theo Quy hoạch của Bộ Công Thương, đến 2020 cả nước có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, (cần thêm 550 điểm so với hiện tại); 180 TTTM và 157 TTMS (cần thêm gần 200 T/tâm). Điều này cho thấy Việt Nam có chính sách khích lệ sự phát triển của bán lẻ hiện đại.
2/
2014 được dự báo là năm có thêm nhiều dự án bán lẻ mới và nhà đầu tư mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Ngay trong năm 2013, một số siêu thị như Saigon Co.op hay Ocean Retail cũng đã khai trương thêm chi nhánh mới. Dự kiến năm 2014, các siêu thị kể trên tiếp tục việc phát triển chi nhánh để phủ sóng rộng khắp trong cả nước.

Song song với các hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ Việt, Lotte Mart đến từ Hàn Quốc cũng đang hoàn tất các khâu để nhanh chóng tham gia vào thị trường.

Còn Parkson cũng đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện mục tiêu tiếp tục mở thêm nhiều trung tâm thương mại tại các tỉnh miền Nam Việt Nam.

Nắm bắt rất nhanh nhạy về sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt, tập đoàn bán lẻ lớn thứ 4 thế giới là Aeon, đến từ Nhật Bản, sẽ chính thức khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP HCM vào đầu năm mới 2014, với vốn đầu tư được tiết lộ là 100 triệu USD và sẽ tiếp tục mở rộng. Bên cạnh các "đại gia" tên tuổi trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ như Big C, Metro... tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) cũng tuyên bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 10 năm.
3/ :
Trong những năm qua, trước tác động mạnh mẽ của mở cửa thị trường và sức ép từ các hình thức bán lẻ hiện đại, bán lẻ truyền thống tiếp tục thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, các loại hình bán lẻ truyền thống vẫn phổ biến và chiếm tỷ lệ cao trên thị trường, ít nhất là cho đến năm 2020, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Người tiêu dùng nông thôn ngày nay không chỉ có nhu cầu mua nhu yếu phẩm mà có thể mua tất cả các mặt hàng, từ máy vi tính, bếp điện, điện thoại di động, tủ lạnh, tivi, đến dịch vụ internet ...

Con số 95% hộ gia đình nông thôn sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện, bếp gas, 33% - máy cassette/radio, 30% - tủ lạnh, 9% - máy vi tính, 1% muốn kết nối internet (Nguồn: TNS, 2010) ... đã cho thấy thị trường nông thôn là "mảnh đất màu mỡ" cho các nhà sản xuất - kinh doanh nói chung và các nhà bán lẻ nói riêng.

Điều đáng chú ý là nếu như giai đoạn 2010 - 2012, các loại hình bán lẻ hiện đại như cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng bách hóa, hoặc hình thức siêu thị "mi ni" cũng đã xuất hiện ở khu vực nông thôn, nhưng chưa nhiều và chủ yếu là ở thị trấn của các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối phát triển, thì năm 2014 sẽ chứng kiến sự phát triển nhiều hơn của mô hình kết hợp truyền thống và hiện đại.

4/Tiếp tục phát triển nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ
Nhiều chuyên gia dự báo hàng nhãn riêng của các nhà bán lẻ sẽ tăng trưởng rất cao và bền vững trong 2014 và những năm sắp tới, kể cả khi giai đoạn suy thoái qua đi, khi người tiêu dùng không còn phải quá "thắt lưng buộc bụng" nữa.

Dư luận dành khá nhiều chú ý cho xu thế này ở Việt Nam dù dang hàng hóa này đã xuất hiện phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam chỉ mới xuất hiện khoảng 2-3 năm trở lại đây.

Chính vì thế, nhãn hàng riêng đã nhận được nhiều ý kiến với những nhận xét đứng từ nhiều góc độ khác nhau.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát cao, nhãn hàng riêng - dòng sản phẩm do chính nhà phân phối - bán lẻ tổ chức sản xuất hoặc kết hợp với nhà cung cấp mang thương hiệu riêng của nhà bán lẻ - đang ngày càng thu hút người tiêu dùng nhờ lợi thế giá rẻ hơn giá các mặt hàng cùng loại bán dưới thương hiệu của nhà sản xuất từ 10 - 30% tùy mặt hàng; chất lượng đã được kiểm duyệt thông qua chính các siêu thị - vốn là những đơn vị chuyên nghiệp về mảng này...

Vì vậy, có nhà bán lẻ đã dự đoán, chỉ trong vòng vài ba năm tới, cứ bốn sản phẩm bán ở siêu thị sẽ có một sản phẩm mang nhãn hàng riêng.



5/ Bán lẻ trực tuyến: Bước phát triển mới.
Mua sắm không cần đến cửa hàng nói chung và bán lẻ qua mạng-trực tuyến nói riêng bắt đầu khởi sắc tại Việt Nam và năm 2013 được coi là năm "Bán lẻ trực tuyến lên ngôi". Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đối với mua hàng trực tuyến có sự chuyển biến rõ rệt, nắm bắt được xu hướng thay đổi này nhiều website kinh doanh theo mô hình bán lẻ trực tuyến ra đời, khiến cho thị trường này trở nên sôi động.

Theo báo cáo năm 2012 của Bộ Công Thương thì doanh số ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ước tính vào khoảng 700 triệu USD. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Công Thương) cũng dự báo đến năm 2015 quy mô ngành TMĐT có thể đạt 1,3 tỉ USD.
Hầu như các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ đều có hoạt đông trực tuyến song song với hình thức bán lẻ tại hệ thống các cửa hàng, cửa hiệu. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ khởi đầu sự nghiệp kinh doanh bằng hình thức trực tuyến với nhiều cách làm phù hợp với thực tế Việt Nam.

Tại Mỹ, dịp Giáng sinh vừa qua đã cho thấy một xu hướng mới khi bán lẻ trực tuyến lên ngôi còn cửa hàng truyền thống thì ế ẩm, liệu xu hướng này có ảnh hưởng đến Việt Nam ngay không?
Bà Mỹ Loan: Tham luận của các Diễn giả tại Vietnam Retail Forum 2013 do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức mới đây cũng như đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, tiềm năng và cơ hội mà kỷ nguyên số và công nghệ cao mang lại cho nền kinh tế và cho ngành bán lẻ hết sức rộng lớn.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam khá lớn, với tỉ lệ dân số sử dụng Internet chiếm 36% và tỉ lệ người dân truy cập Internet tham gia mua sắm là 57% và Việt Nam online được xếp hạng thứ 16.

Vì vậy, các chuyên gia nhận định, năm 2014 sẽ là năm bùng nổ của bán lẻ trực tuyến-thương mại điện tử tại Việt Nam. Dự báo của nhà cung cấp thẻ thanh toán quốc tế MasterCard cho thấy, đến năm 2017, thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam có triển vọng đạt doanh số khoảng 8 tỉ USD.

Kết thúc năm 2013, vượt qua một năm với nhiều khó khăn và thách thức …, ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam và từng nhà bán lẻ đang định vị lại mình để phát triển trong một thế giới thay đổi và biến động, nhưng có rất nhiều tiềm năng cho tương lai.

Vì vậy, để giữ vững được thị trường trong nước, đồng thời phát triển cùng nhịp với các doanh nghiệp bán lẻ ngoại, trách nhiệm của các nhà bán lẻ Việt vẫn hết sức nặng, nhưng để làm được điều đó, trước hết họ phải đảm bảo được chính nhu cầu và lợi ích của bản thân doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp có sống được qua khó khăn thì mới là nền tảng cơ bản để phát triển.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện đầu Xuân này!

Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp


Sự kiện