Mức lỗ của doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh
Mỗi lần đòi tăng giá xăng, Petrolimex đều báo lỗ Ảnh: TẤN THẠNH
Theo số liệu tổng hợp nói trên, đáng lưu ý là có nhiều DN thường xuyên kinh doanh hiệu quả trước đây nay cũng thua lỗ. Điển hình là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam lỗ 168 tỉ đồng, nộp ngân sách 249 tỉ đồng, chỉ đạt gần 29% kế hoạch năm.
Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển Nhà và Đô thị chỉ nộp ngân sách 166 tỉ đồng, bằng 17% kế hoạch năm.
Tính toàn khối, doanh thu không tăng và có nhiều đơn vị không đạt kế hoạch, trong đó Vinashin chỉ đạt 2.050 tỉ đồng, chưa đến 30% kế hoạch năm.
Tính đến hết quý III năm nay, tình hình có khả quan hơn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt doanh thu hơn 1,158 triệu tỉ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 52.005 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước nhưng không phải DN nào cũng làm ăn tốt. Vẫn có những đơn vị tiếp tục báo lỗ lũy kế như Tổng Công ty Lương thực Miền Nam lỗ 234 tỉ đồng, Tổng Công ty Cà phê lỗ 20 tỉ đồng.
Đáng lưu ý là lợi nhuận chỉ tập trung vào một số ít đơn vị, nhiều DN còn lại rơi vào tình trạng nợ cao, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thậm chí mất vốn.
Theo công bố của Bộ Tài chính, mức lỗ bình quân của DN nhà nước (NN) cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh. Tổng lỗ tính đến năm 2011 của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.104 tỉ đồng mà đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Tông Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…
Một trong những nguyên nhân khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả là nguồn lực phân tán đầu tư ra nhiều ngành. Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các DN thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015 để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính nhưng mục tiêu này có nguy cơ bất thành.
Nguồn Người Lao Động