Ảnh: Quý Hòa
Món Huế mắc bẫy cơn sốt F&B
Món Huế, chuỗi nhà hàng thuộc Công ty Huy Việt Nam đã đóng cửa hàng loạt, lâm cảnh nợ nần, bỏ trốn và bị tố quỵt tiền nhà cung cấp sau 12 năm có mặt trên thị trường.
Đáng nói là dấu hiệu này đã ít nhiều được nhìn thấy từ trước đó khi nhiều khách hàng than phiền về chất lượng và dịch vụ tại hệ thống nhà hàng này. Như bà Lan Bercu, Chủ tịch và sáng lập Công ty Lead Across Cultures International, nhận định: “Món Huế là ví dụ cho sự không đồng nhất và chuẩn hóa về quy trình trong một chuỗi cửa hàng”. Theo bà, điều này rất nguy hiểm, bởi đây là yếu tố có thể đánh sập thương hiệu bất cứ lúc nào.
Thực tế, sự đổ vỡ của hệ thống nhà hàng Huy Việt Nam cho thấy mức độ rủi ro trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), đặc biệt là các hệ thống theo chuỗi. Mỗi một yếu tố như giá thuê mặt bằng tăng cao, quy trình hệ thống thiếu chuẩn, con người thiếu đào tạo, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh... đều có thể tác động, gây nên sóng gió cho các đơn vị tham gia. Đặc biệt, theo ông Chad Ovel, Tổng Giám đốc Mekong Capital, đơn vị đầu tư rất thành công cho chuỗi nhà hàng của Golden Gate, muốn mở rộng chuỗi, các cơ sở phải xây dựng được 3 chìa khóa mấu chốt: quy trình, hệ thống và con người.
Món Huế đã tăng tốc trong sự thiếu chuẩn bị cho cả 3 yếu tố trên. Ở thời điểm đỉnh cao (năm 2015), Món Huế có lúc mở hơn 100 nhà hàng. Từ đây, khách hàng nhận thấy chất lượng và dịch vụ ở Món Huế dần đi xuống. Ngoài ra, theo báo cáo tài chính, doanh thu 3 năm trở lại đây của Món Huế xấp xỉ 200 tỉ đồng/năm, nhưng vì đầu tư mở rộng, chọn những vị trí đắc địa nên chi phí tăng, có lúc chiếm 80-90% doanh thu, trong khi đà tăng doanh thu không tương xứng.
Tất cả khiến Món Huế bị lỗ và lỗ lũy kế hơn 100 tỉ đồng năm 2018. Từ năm 2018, Huy Việt Nam đã đóng cửa vài cửa hàng Món Huế ở các quận không phải trung tâm và bắt đầu thử mô hình Food Hall tích hợp 6 thương hiệu Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Bánh Mì & Cafe, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ và Grill.
Trước khi đóng cửa vào giữa tháng 10.2019, hệ thống này cũng đã có vài Food Hall.
Theo một số nhà phân tích, Món Huế đã tăng tốc mở chuỗi lên gấp nhiều lần, cho mục đích gọi vốn là chủ yếu. Tuy nhiên, không có được sự đảm bảo tài chính nên hệ thống Huy Việt Nam “chết” bất ngờ.
Đây là bức tranh ít ai ngờ bởi Huy Việt Nam từng là start-up gọi vốn nhanh và mạnh nhất. Từ mức 3 triệu USD năm 2013, đến năm 2014, Huy Việt Nam huy động được 15 triệu USD vòng Series B. Sang năm 2015, Huy Việt Nam nhận vốn từ Quỹ New Asia Partners do ông Dennis Nguyễn quản lý và còn được Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV rót 15 triệu USD. Sau đó, nhiều quỹ khác như Welkin Capital, Fortress Capital, AIF Capital... đã đầu tư vào Huy Việt Nam. Tính chung, khoảng 70 triệu USD đã được rót vào Công ty. Doanh nghiệp này cũng từng tham vọng huy động 100 triệu USD từ việc niêm yết ở Hồng Kông.
Sở dĩ Huy Việt Nam lọt vào mắt xanh giới đầu tư ngoại, nhờ tài sức của ông Dennis Nguyễn và nhờ ngành F&B ở Việt Nam từ năm 2014 đã tăng trưởng trung bình trên 18%/năm (theo Dcorp R- Keeper Việt Nam). Trong giai đoạn này, chỉ riêng QSR Việt Nam đã đưa hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Dairy Queen, DQ Grill & Chill, Swensen’s, B-DUBS (kiểu Mỹ) AKA House (Nhật), Holy Crab (Singapore)... vào Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Sunshine Equipment, nhận định, ngành F&B của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt và nhiều đơn vị đã kinh doanh sa sút. Điển hình, Golden Gate, ông trùm trong lĩnh vực F&B, chỉ tăng doanh thu năm 2018 ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại. Đây cũng là lý do khiến nhiều chuỗi F&B ngã ngựa như The KAfe, Tenren, Gloria Jean’s Coffees, New York Dessert Café (NYDC), Coffee Bar...
Ông Huy Nhật, sáng lập Huy Việt Nam, dường như thấy trước khả năng khó cầm cự nên đã “đột ngột” đóng cửa Món Huế và để lại khoản nợ chưa thanh toán lên tới hàng chục tỉ đồng bao gồm nhiều loại mặt hàng từ thực phẩm như thịt bò, thịt heo, giò chả, rau củ quả... Đồng thời, một nhóm các nhà đầu tư lớn đã gửi đơn kiện ông Huy Nhật tới Tòa án Nhân dân TP.HCM liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo.
Trước đó, Huy Việt Nam đã giảm vốn điều lệ từ 1.200 tỉ đồng xuống 600 tỉ đồng. Nhóm nhà đầu tư cũng đang tích cực tìm kiếm giải pháp để khôi phục hoạt động kinh doanh của Huy Việt Nam. Ban đầu, nhiều thông tin cho biết, công ty này sẽ chọn 8 cửa hàng với đủ thương hiệu và duy trì cho đến hết năm 2019. Tuy nhiên, không biết thương hiệu này có còn đủ sức để đứng dậy sau cú sốc quá lớn?
► Những bí ẩn đằng sau công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế
► Từ sự việc nhà hàng Món Huế, nhìn lại những chuỗi F&B bất ngờ đóng cửa tại Việt Nam